Cổ phiếu Vissan: Mua thì đắt mà thu lợi quá bèo

(NTD) - Được ví như là “con cưng” của các nhà đầu tư lớn, cổ phiếu của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã được săn đón với giá cao ngất ngưởng trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 7/3 vừa qua với giá trúng bình quân tới 80.053 đồng/cổ phiếu. Liệu sau cổ phần hóa, Vissan có đem lại nguồn lợi như các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trông đợi khi kế hoạch cổ tức 5 năm sau cổ phần hóa chỉ 5%/năm?

Kế hoạch lợi nhuận giảm sau 5 năm cổ phần hóa

Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thành lập của Vissan đã diễn ra khá yên ắng và sớm kết thúc khi đại hội nhanh chóng thông qua kế hoạch kinh doanh giai đoạn 5 năm 2016-2020 với kế hoạch lợi nhuận năm 2020 giảm tới 47,3% so với năm 2016.

Theo đó, Công ty Vissan cũng đưa ra kế hoạch 2016 với doanh thu đạt 3.996 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 99,1 tỷ đồng. Đến năm 2020, công ty ước đạt doanh thu vào mức 5.252 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức 52,2 tỷ đồng giảm tới 47,3% so với năm 2016. Cá biệt, năm 2019, lợi nhuận sau thuế chỉ ước đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 90,8% so với kế hoạch năm 2016. Đồng thời, tỷ lệ chi trả cổ tức 5 năm sau cổ phần hóa chỉ ở mức 5% mỗi năm.

Lý giải kế hoạch lợi nhuận đi xuống này, Vissan cho biết lợi nhuận 3 năm đầu (2016-2018) sau cổ phần hóa sẽ giảm so với các năm trước do chi phí hoạt động tăng theo doanh thu, đồng thời phân bổ chi phí lợi thế thương mại nên chi phí hoạt động tăng. Đến giai đoạn 2019-2020, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh do cụm nhà máy Long An (xây dựng trong năm 2016) dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và khấu hao tăng. Theo Vissan, nhà máy này sẽ giúp công ty tăng năng lực sản xuất các dòng sản phẩm chất lượng.

Kế hoạch này được công ty dựa trên giả thiết giá nguyên liệu chính là heo hơi và bò ổn định nhờ chủ động trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu. Đồng thời, dự kiến giá nguyên liệu sản xuất như nạc heo, mỡ heo, thịt gà xay... trong giai đoạn 2016-2020 tăng ít, thậm chí không tăng do Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới nên nguồn nguyên liệu dự báo sẽ dồi dào và giá cả cạnh tranh.

Chia sẻ thông tin bên lề đại hội, Tổng Giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết, các con số về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận vẫn được thay đổi sau khi phiên họp Hội đồng quản trị đầu tiên của công ty.

Ông Văn Đức Mười, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vissan.

Thách thức nội tại

Không riêng gì các doanh nghiệp ngành thực phẩm mà hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Bởi, đây là một cơ hội không thể bỏ lỡ của nhiều doanh nghiệp ngoại tấn công vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.

Và không chỉ trong tương lai mới khiến Vissan lo lắng, bởi đối với ngành thực phẩm hiện nay tại Việt Nam đã có mặt của một số tập đoàn thực phẩm lớn đang hoạt động như: Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan, hay CTCP Thực phẩm Nipponham Việt Nam của Tập đoàn Nipponham - Nhật Bản. Được biết, CP đang hoạt động tới 9 nhà máy sản xuất thịt và thức ăn gia súc ở Việt Nam. Các công ty này được đánh giá là đối thủ trực diện và có nhiều ưu thế vượt trội hơn Vissan.

Là một công ty kinh doanh thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn (từ thịt) nhưng theo các phát biểu trước đây của lãnh đạo Vissan, hiện công ty chỉ mới chủ động được khoảng trên dưới 10% nguồn nguyên liệu. Phần lớn phải thu mua từ các trại chăn nuôi bên ngoài nên việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng đầu vào là khá vất vả.

Điển hình là vào cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan thú y đã phát hiện một lô 80 con heo nhập về Vissan chứa chất cấm Salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) với hàm lượng gấp 5 lần mức cho phép. Sự kiện gây chấn động dư luận bởi nó diễn ra sau khoảng 1 tháng Vissan công bố kinh doanh 100% thịt heo theo tiêu chuẩn VietGap.

Mặt khác, ngay trong chính cổ đông chiến lược của Vissan cũng có những kế hoạch riêng cho mình. Cụ thể, với hành động quyết tâm trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) thuộc CTCP Tập đoàn Masan đã vượt mặt Tập đoàn CJ CheilJedang đưa ra mức giá cao ngất ngưởng 126.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng chi ra 1.428 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu, chính thức sở hữu 14% vốn điều lệ của Vissan.

Vissan có vốn điều lệ 809 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông của Vissan gồm: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) giữ 65%, Anco giữ 14%, các cổ đông bên ngoài khác chiếm 14% và còn lại 7% thuộc cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn.


Ánh Hoa