Cổ phiếu ngân hàng giúp thị trường duy trì đà tăng

(NTD) - Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng trở thành điểm sáng trong phiên giao dịch ngày 13/2 khi giúp chỉ số VN-Index có 3 ngày tăng điểm liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất trong 36 phiên gần đây.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/2, chỉ số VN-Index tăng nhẹ chỉ 0,07 điểm so với phiên ngày 12/2. Hai lần, VN-Index giảm xuống dưới giá mức tham chiếu. Tuy nhiên, nhờ sự bức phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index tăng điểm trở lại và đóng cửa ở mức cao nhất 945,25 điểm, tăng 7,71 điểm, tương đương 0,82% so với phiên trước.

Với việc tăng điểm này, vốn hóa thị trường chứng khoán có thêm hơn 31.000 tỷ đồng (1,35 tỷ USD). Như vậy, sau 3 phiên tăng điểm, vốn hóa toàn thị trường niêm yết tăng thêm gần 152.000 tỷ đồng (6,56 tỷ USD).

Mặc dù chỉ tăng 2,05% lên 59.800 đồng/cổ phiếu nhưng vốn hóa của VCB tăng thêm 4.451 tỷ đồng và trở thành cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào sự tăng điểm của VN-Index.

Vốn hóa của các ngân hàng khác tăng còn có EIB (vốn hóa tăng 615 tỷ đồng), VPB (369 tỷ đồng), TCB (350 tỷ đồng), BID (171 tỷ đồng), HDB (98 tỷ đồng), TPB (43 tỷ đồng). Các cổ phiếu ngân hàng còn lại đang niêm yết trên sàn TP.HCM đứng giá gồm: CTG, MBB, STB. Ngoại trừ EIB và TPB chỉ có vài trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh, thì các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều thanh khoản tốt khi có hàng triệu đơn vị được sang tay ở mỗi mã.

Ngày 13/2, đa số cổ phiếu ngân hàng tại sàn TP.HCM đều tăng giá với thanh khoản tốt

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết tại sàn Hà Nội và đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM kém vui. Trong khi ACB, NVB, SHB, BAB, LPB đứng giá thì KLB, VIB giảm nhẹ.

VN-Index tăng điểm còn nhờ các cột trụ như: MSN (vốn hóa tăng 4.187 tỷ đồng), GAS (3.828 tỷ đồng), HPG (2.973 tỷ đồng), VRE (1.630 tỷ đồng), PLX (1.622 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, vốn hóa cổ phiếu SAB của tỷ phú Thái Lan đã giảm 1.090 tỷ đồng, VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 758 tỷ đồng.

Khối lượng khớp lệnh của sàn TP.HCM tiếp tục được duy trì ở mức cao, 176 triệu cổ phiếu, tăng 2,3% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, giá trị giao dịch lại tăng 9,1%, đạt 3.735 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận chứng kiến sự bứt phá khi có tới 36,7 triệu cổ phiếu được sang nhượng trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, MSN (gần 2 triệu cổ phiếu, trị giá 163 tỷ đồng), TCB (5,5 triệu cổ phiếu, trị giá 149,4 tỷ đồng), HT1 (10,21 triệu cổ phiếu, trị giá 146 tỷ đồng), VHM (1,5 triệu cổ phiếu, trị giá 120 tỷ đồng), VPB (5 triệu cổ phiếu, trị giá 107 tỷ đồng), CTI (3,1 triệu cổ phiếu, trị giá 74 tỷ đồng), HDB (2 triệu cổ phiếu, trị giá 61 tỷ đồng)…

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì vị thế mua ròng 237 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở HPG (133 tỷ đồng), MSN (121 tỷ đồng), VCB (59 tỷ đồng), VIC (34 tỷ đồng)… Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở các cổ phiếu VHM (137 tỷ đồng), HDB (62 tỷ đồng), LDG (18 tỷ đồng)…

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: Sau 3 phiên tăng điểm mạnh, thị trường đã bắt đầu có sự phân hóa theo từng dòng cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tăng chậm lại hoặc bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy để giữ nhịp cho thị trường. Dòng tiền dự báo có thể sẽ luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang tích lũy để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn… Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua mua - bán nâng tỷ trọng đối với các vị thế ngắn hạn.

Trong những ngày tiếp theo, VN-Index cần kiểm định ngưỡng 945 điểm. Ngưỡng kháng cự tiếp theo là 950-960 điểm.

Ngọc Diễm

Nên đọc