Cổ phiếu IBC tăng giá 5 lần sau 6 tháng niêm yết tại sàn Hà Nội. (Ảnh: Hải Hà). |
Hàng loạt vụ thao túng giá cổ phiếu bị phát hiện
Mới đây, ngày 6/11, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) đã ra quyết định xử phạt ông Bùi Ngọc Bút (ngụ Q. Thanh Xuân, Hà Nội) 550 triệu đồng. Ông Bùi Ngọc Bút sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings. Ngoài ra, UBCK còn buộc ông Bùi Ngọc Bút phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 150 triệu đồng. Tuy nhiên, UBCK không công bố thời gian ông Bùi Ngọc Bút “thổi giá” IBC.
Được biết Apax Holdings là công ty của Shark Thủy (Nguyễn Ngọc Thủy). Chỉ 6 tháng lên sàn chứng khoán Hà Nội, IBC đã tăng giá 5 lần. Trong 1 năm niêm yết tại đây, công ty thực hiện tăng vốn thần tốc hơn 10 lần, từ 6,3 triệu cổ phiếu lên 68,88 triệu cổ phiếu.
Các trường hợp thao túng giá cổ phiếu khác bị xử phạt trong năm 2018 gồm: KVC, KDM, HID, V21, MBG, SGO, TNT. Các hành vi sai phạm này được thực hiện trong giai đoạn 2015-2017 nhưng đến năm 2018 mới bị xử lý và cùng chung mức phạt 550 triệu đồng/người. Trong năm 2017, UBCK cũng xử lý hàng loạt vụ thao túng giá cổ phiếu SPI, NHP, CDO, DAH, HCD, VMD, HNG với mức phạt 550-600 triệu đồng/vụ.
Các cá nhân thao túng giá chứng khoán đều sử dụng hàng chục tài khoản đứng tên mình và người khác được mở tại nhiều công ty chứng khoán. Họ liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo.
Nhiều trường hợp cá nhân thao túng giá cổ phiếu là những người đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng tại doanh nghiệp. Thao túng giá V21 do cựu thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vịnh thực hiện. Thao túng giá SPI do bà Đỗ Thị Cẩm Thúy cựu Chủ tịch HĐQT SPI thực hiện. Ngoài việc bị xử phạt hành chính 600 triệu đồng, bà Thúy còn phải nộp lại 9,28 tỷ đồng lợi nhuận bất hợp pháp từ hành vi thao túng này. Thao túng giá CMI do Trần Thanh Hữu, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc thực hiện.
Vụ thao túng giá cổ phiếu đình đám nhất được xử lý trong năm 2017 là nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) chi nhánh Hà Nội Nguyễn Vân Giang bị khởi tố do thao túng giá cổ phiếu CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị từ 9/3/2015-17/10/2017 bằng cách nhờ 40 khách hàng, người nhà, người quen mở 70 tài khoản tại 24 công ty chứng khoán. CDO rớt giá không phanh khiến cổ phiếu của hàng loạt lãnh đạo công ty này bị giải chấp do sử dụng margin.
Việc thao túng cổ phiếu nổi tiếng nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay là trường hợp ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Dược phẩm Viễn Đông (DVD) bị xử phạt 4 năm tù về tội thao túng cổ phiếu DVD và DHT của CTCP Dược Hà Tây. Vụ án này khiến 1.702 cổ đông trắng tay, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Sau quá trình được đội lái “thổi giá”, đa số giá các cổ phiếu bị thao túng đều rất thấp. |
Nhận diện cổ phiếu bị làm giá
Nhà cái, cá mập… là thuật ngữ ám chỉ nhóm người (nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư…) chuyên thao túng giá cổ phiếu được gọi chung là đội lái.
Ngoại trừ HNG của bầu Đức thì các cổ phiếu bị thao túng giá có đặc điểm: Số lượng cổ phiếu niêm yết không quá lớn, ít chia tách; giá thị trường thấp so với mặt bằng chung; khối lượng giao dịch hàng ngày ở mức vừa phải; có thông tin hỗ trợ để cổ phiếu liên tục tăng giá.
Sau khi chọn được cổ phiếu để thao túng, đội lái thỏa thuận với ban lãnh đạo, cổ đông lớn, cá mập. Ban lãnh đạo công bố thông tin theo yêu cầu, hỗ trợ chuyển nhượng cổ phiếu để đội lái có thêm vũ khí. Cổ đông lớn, cá mập không xả hàng, đánh phối hợp các môn đè giá, dìm giá, đẩy giá trên bảng điện tử nhằm xả hàng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ thích lướt sóng. Đôi khi lợi nhuận của đội lái không phải là tiền mặt mà là cổ phiếu để sinh lợi cho những trận chiến tiếp theo.
Đội lái được các doanh nghiệp sử dụng khi “in giấy” lấy tiền. Đội lái cũng hay “đánh” cổ phiếu qua ngày đóng tiền, nhà đầu tư bỏ quyền, nhà cái mua lại làm tiếp vòng khác.
Biến động của cổ phiếu CDO giai đoạn 9/3/2015-17/10/2017 do nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) chi nhánh Hà Nội Nguyễn Vân Giang thao túng giá |
Ông Trần Ngọc Báu, Trưởng nhóm FinaPro chia sẻ: Nếu dòng tiền đầu cơ vào nhiều, cổ phiếu tăng giá phi mã, nhà đầu tư sẽ mua theo và ngược lại, khi giá cổ phiếu giảm, họ sẽ bán ra. Cứ như thế, giá bất kỳ tài sản nào đều có thể tăng hoặc giảm mạnh chỉ dựa trên dòng tiền đầu cơ ngắn hạn mà không dựa trên khả năng tạo ra tiền của doanh nghiệp. Chính vì thế, việc thao túng giá chứng khoán đã trở thành vấn đề hết sức phổ biến tại Việt Nam.
Khi đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư chuyên nghiệp thường nhìn vào nền tảng hoạt động của công ty, từ đó kỳ vọng dòng tiền tạo ra trong tương lai sẽ làm tăng giá cổ phiếu. Thế nhưng điều này gần như nằm ngoài vòng quan tâm của nhà đầu tư nhỏ lẻ và đôi khi là cả những môi giới!
“Nhìn một cách khách quan, những hoạt động của đội lái về việc thao túng giá cổ phiếu cũng có những tác động nhất định đến sự hưng phấn, tạo thanh khoản cũng như giúp cho thị trường ngày càng sôi động hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà đội lái được đón nhận. Bởi, sau quá trình tăng giá phi mã của cổ phiếu làm giá thì đâu đó thấy được sự mất mát đau đớn của rất nhiều nhà đầu tư đã trót tin và trót mua theo đội lái” - ông Trần Ngọc Báu nhận định.
Nguyễn Như