Bất động sản công nghiệp là một trong những ngành hiếm hoi vượt đại dịch Covid-19 thành công. Từ đầu năm, cổ phiếu ngành này đã nhanh chóng bứt phá. Nhưng tới quý 4, sức nóng đã hạ nhiệt. Các mã hoặc tăng rất nhẹ hoặc quay đầu suy giảm.
Tuy nhiên, trong phiên 26/11, khi VN-Index đang nỗ lực chinh phục mốc quan trọng 1.000 điểm, cổ phiếu bất động sản công nghiệp bất ngờ “nổi sóng” trở lại. Ba mã tăng trần và một số mã còn lại đi lên đáng kể.
Cụ thể, đầu phiên, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp chỉ tăng nhẹ nhưng tới gần cuối đợt giao dịch sáng, BCM bất ngờ tăng trần, tăng 2.600 đồng/CP lên 40.100 đồng/CP. Đây là mức giá cao nhất của BCM kể từ ngày 22/9.
Đà tăng ấn tượng của BCM giúp vốn hóa thị trường Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp tăng thêm 2.691 tỷ đồng. BCM là công ty lớn thứ 5 trong danh sách các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
D2D của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 thậm chí còn gây ấn tượng hơn. Đầu phiên, D2D giảm nhẹ xuống 54.500 đồng/CP nhưng nhanh chóng tăng trần, tăng lên 57.100 đồng/CP.
D2D đang được nhà đầu tư quan tâm khi ngày 27/11 tới đây D2D sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành gần 9 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 42%. Sau phát hành D2D sẽ tăng vốn điều lệ từ hơn 213 tỷ đồng hiện nay lên hơn 300 tỷ đồng.
Cổ phiếu ITA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo không giao dịch trong sắc tím nhưng cũng đi lên khá mạnh. ITA tăng 260 đồng/CP lên 5.280 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Tập đoàn Tân Tạo có thêm 244 tỷ đồng.
IDC của Tổng công ty IDICO tăng 1.400 đồng/CP lên 29.000 đồng/CP. HPI của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước tăng 2.800 đồng/CP lên 23.300 đồng/CP. LHG của Công ty Cổ phần Long Hậu tăng 1.600 đồng/CP lên 32.500 đồng/CP.
Dù đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2020 nhưng cổ phiếu bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá cao.
Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) phân tích, Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Khách hàng đông, giá cả cao là yếu tố khiến bất động sản công nghiệp trở nên hấp dẫn. BSC cho biết, giá thuê trung bình khu công nghiệp đạt 102 USD/m2/chu kỳ thu, tăng 7,1% theo năm, giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ khoảng 4-5,2 USD/m2, tương đương 2,1%.
Theo BSC, mặc dù Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ, thể hiện qua lượng tìm kiếm trên về các khu công nghiệp đều tăng mạnh từ 20% đến 37% trong quý 3/2020
BSC kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ tiếp thêm động lực cho việc dịch chuyển của nhiều doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng tập trung một khu vực. Mặc dù tiến trình này sẽ chậm lại trong năm 2020 do việc hạn chế đi lại để khảo sát thực địa và tâm lý thị trường thận trọng hơn, tuy vậy triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tích cực trong dài hạn.
BSC đánh giá, với lợi thế vị trí địa lý, chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế phí của Chính phủ, thu hút FDI từ các hiệp định kinh tế, và việc kiểm soát dịch bệnh tốt, Việt Nam được cho rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi dịch chuyển này.