Giải thích của Honda Việt Nam chưa thuyết phục?
Như đã thông tin, ông Nguyễn Tiến Đạt (ngụ tại quận 2, TP.HCM) mua một chiếc moto hiệu Vision của hãng Honda và chỉ mới sử dụng được 2 tháng, mâm bánh sau đã bị vênh. Ngay khi xảy ra sự cố, ông Đạt đưa xe đến một Head của Honda trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đề nghị bảo hành, vì ông cho rằng, mâm vênh là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất.
Ông Đạt cho biết nhân viên Head của Honda "soi" rất kỹ lốp xe để tìm "chứng cứ" (ảnh ông Đạt cung cấp) |
Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi Báo Người Tiêu Dùng, Honda Việt Nam đã bác bỏ nguyên nhân ông Đạt đưa ra. Bởi, “Khi tiến hành kiểm tra hiện trạng trên xe, kỹ thuật viên của Head nhận thấy vành xe có vết biến dạng theo hướng tác động từ phía bánh xe vào trong tâm của vành. Theo đó, đã nhận định hướng của lực tác động mạnh là từ phía ngoài vào. Do tác động lệch về một bên nên gây biến dạng vành chỉ tại 1 vị trí trên mép bên trái. Kiểm tra thêm lốp xe thì phát hiện vẫn còn lại 1 chiếc đinh ốc vít bị cắm vào lốp xe. Chiếc đinh này đã bị mài mòn ở đầu ốc vít”.
Vì thế, Honda Việt Nam khẳng định nguyên nhân là “do chiếc đinh nói trên cắm vào lốp xe khiến cho lốp xe bị non hơi, bánh xe bị mất áp suất do đó dẫn đến việc điều khiển xe không ổn định, khả năng chịu lực của bánh xe sẽ không đạt được điều kiện thông thường khi vận hành. Sau đó, khi vượt qua nắp cống, bánh xe gặp va chạm gây nên biến dạng vành”.
Trước phản hồi của Honda Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Honda trả lời chưa thuyết phục nếu không muốn nói là gian dối. Theo ông Đạt, Honda cho rằng lực tác động mạnh, vậy thì lực bao nhiêu là mạnh? Bao nhiêu là yếu? Đó là tiêu chuẩn kỹ thuật của hãng, đề nghị Honda công bố.
Cũng theo ông Đạt, việc Honda viện lý do lốp non nên biến dạng vành càng không thể chấp nhận. Bởi, biên bản lập tại Head của Honda trên đường Trường Chinh ghi rõ, có một cái đinh trên lốp nhưng “không xì hơi”. Vậy, Honda căn cứ vào đâu để xác định lốp non do đinh?
Biên bản kiểm tra xe ghi rõ: Lốp sau có vết đinh và không có dấu hiệu xì hơi (ảnh ông Đạt cung cấp) |
“Xe xảy ra sự cố buổi tối, sáng hôm sau tôi vẫn chạy lên Head Honda và cái đinh vẫn còn nguyên trong lốp. Nói non lốp thì tôi chạy bằng cách nào? Đem xe vào Head Honda soi rất kỹ cái bánh xe và họ báo có đinh. Tôi yêu cầu họ đo áp suất hơi trong bánh để đưa vào biên bản nhưng họ không làm. Nhưng sau đó Honda khẳng định vì áp suất thấp (lốp non vì bị xì hơi) thì thật nực cười” – ông Đạt bức xúc.
Có nên mua Honda Vision nếu đi trên đường xá Việt Nam?
Sau khi biết sự cố xe Vision của ông Đạt, khá nhiều bạn đọc đã lên tiếng chia sẻ. Cụ thể, ông H (ngụ tại quận 10) nêu nghi vấn: “Xe trên đường 3/2 Q.10, TP.HCM nhào lên miệng cống mà bị vênh mâm thì chạy các con đường khác chắc té nhập viện quá. Các nắp cống đường 3/2 độ chênh so với mặt đường không đáng kể, có thể đường 3/2 là một trong những con đường an toàn nhất của Sài Gòn”. Tương tự, một bạn đọc tên T, ngụ tại quận 7: “Tôi đi xe Ware của Honda. Vợ chồng tôi nặng hơn 100kg, di chuyển trên đường Bến Bình Đông, Q.8, với tốc độ 40km một giờ. Lốp xe đôi khi non đến độ chạm vành mà có thấy vành bị vênh đâu! Ai đã và đang đi trên đường Bến Bình Đông sẽ thấy chất lượng của con đường đó là thế nào”?
Vết đinh dính trên bánh xe là lý do để Honda Việt Nam khẳng định lỗi không thuộc về thương hiệu này (ảnh do Honda cung cấp) |
Chưa hết, “Tôi nghĩ rằng đừng mua Honda Vision nếu đi đường Việt Nam. Ai cũng biết đường xá ở Việt Nam, nếu không tính đường cao tốc, chất lượng mặt đường, chất lượng nắp cống như thế nào. Honda Việt Nam lý giải, do lốp non gặp nắp cống, trên xe chở theo người, chạy tốc độ nhanh là đang cố tình đổ lỗi cho khách hàng. Lỗi đó, theo tôi là ở chất lượng sản phẩm của Honda” – bạn đọc tên S (quận 5) khẳng định.
Đồng quan điểm, nhiều người cho rằng, Honda Việt Nam nên xem lại chất lượng sản phẩm. Và theo họ, việc cố tình không đo áp suất hơi trong bánh xe để rồi lấy việc thiếu hơi để “đổ lỗi” cho khách thì Honda Việt Nam “chưa thật trung trực và thiếu sòng phẳng”!
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết sẽ kiện Honda Việt Nam ra tòa. Theo ông, kiện không phải để đòi quyền lợi chính đáng là được bảo hành, mà kiện là để nhà sản xuất có trách nhiệm hơn đối với chất lượng sản phẩm của mình cũng như có trách nhiệm hơn đối với sự an toàn của người tham gia giao thông. |
Thế Mỹ