Chị Đặng Thị Thành ở P. Thảo Điền Q.2 TP.HCM lý giải nguyên nhân cắt giảm chi tiêu vì thu nhập giảm do công ty làm ăn khó khăn và dịch bệnh còn kéo dài. Tuy nhiên lý do chính vẫn là vợ chồng chị muốn nhân dịp này dạy con cái chi tiêu tiết kiệm và cùng cha mẹ chia sẻ khó khăn, điều mà ít đứa trẻ thành thị nào trải qua như phụ huynh từng nếm trải nhiều khi còn trẻ.
Khá nhiều người tiêu dùng thắt chặt hầu bao phần lớn vì muốn “cơ cấu” lại tiêu xài, chuyện mà khi không có chuyện gì nhiều người khá chủ quan.
Giám đốc một công ty bất động sản lớn nói với người viết: “Thật ra trong dịch Covid 19 và thị trường sụt giảm như hiện nay cũng có cái hay của nó, nhất là cơ hội để mình kiểm tra sức khỏe doanh nghiệp và nhìn lại công ty”.
Ông này bảo đây cũng là dịp để nhìn lại đội ngũ, những thứ cần sửa, nên bỏ hay phát huy của mình. Qua đây có thể thấy được phân khúc nào hợp, khủng hoảng sẽ xử lý ra sao, thua lỗ sẽ giải quyết thế nào và tình huống bất khả kháng sẽ đối phó cách gì?
Dọc những khu ăn uống sầm uất ở TP.HCM như Phan Xích Long, chuyên bán thời trang như Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng… không khó để nhận thấy nhiều nơi trả mặt bằng hay đang đóng cửa tìm khách thuê.
Chủ một tiệm thời trang trên đường Nguyễn Trãi Q.1 cho hay doanh nghiệp chị có 12 cửa hàng như thế này ở khắp thành phố và sắp tới sẽ đóng cửa hàng ở đây vì từ lâu đã muốn tập trung cho những chỗ buôn bán được, giá thuê hợp lý chứ không phải vì dịch mới tiến hành.
Do việc mua bán online và các kênh phân phối khác ngày càng phổ biến nên nhân dịp này nhiều chủ thuê cũng “tái cơ cấu” và trả bớt mặt bằng không hiệu quả.
Việc trung tâm thương mại phải giảm giá thuê ở nhiều thành phố lớn cũng đem đến cơ hội và san sẻ cho các nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ cũng như dịp để các trung tâm này xem xét lại giá cả hợp lý hơn sau thời gian dài tăng trưởng nóng.
Hệ thống khách sạn, resort lớn nhất nhì Việt Nam đã cho đóng cửa 7 khách sạn tại Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Họ đưa ra thông báo đóng cửa để duy tu và bảo trì trong giai đoạn thấp điểm cũng như do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo tìm hiểu thì những lần bảo trì trước, hệ thống này “thất thu” khá nhiều do khách luôn đông nườm nượp. Còn lần này vừa đỡ tốn chi phí duy trì những nơi gần như không có khách, vừa không sợ lạm thu và có thể san sẻ sang nơi khác cùng hệ thống và dễ dàng đánh giá lại “sức khỏe” của mình khi ngành du lịch gặp khó khăn chung.
Có lẽ chưa khi nào ngành hàng không, du lịch, bán lẻ… lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Nhiều ngành trước đây thay vì mạnh ai nấy “chạy” và chỉ biết đến thuận lợi của mình thì nay cũng đã “nương tựa” vào nhau hay biết sức mạnh của việc liên kết, cùng nhau kích cầu hay hỗ trợ nhau.
Đây còn là cơ hội để các cơ quan quản lý thấy rõ những khiếm khuyết mà khi mọi việc tốt đẹp khó nhìn ra cũng như thể hiện năng lực quản trị đất nước trong khó khăn của mình.
Những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, kích cầu của địa phương, bộ ngành hay gói “kích thích’ phát triển, hồi phục kinh tế sắp tới có lẽ cũng giúp người dân và doanh nghiệp thêm “sức khỏe” để vượt qua dịch bệnh. Chỉ có tự mình tạo được nội lực mạnh, năng lực tốt và “sức khỏe” dồi dào thì không chỉ Covid 19 mà khó khăn nào cũng có thể vượt qua dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Phan Nguyễn