Ngày 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành lúa gạo Việt Nam còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam. 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Ông Trần Thanh Nam nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và châu Phi.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường cũng cho biết, gạo Việt Nam ngày càng có nhận diện về thương hiệu trên bản đồ thế giới. Thời gian tới, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn, nên ông Hòa đánh giá hiện đang là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Đi sâu hơn vào khía cạnh này, ông Hòa nói, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm, như Brazil, Ai Cập, Ghana… nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia, lại dự báo tăng khoảng 600.000 tấn.
Hiện Philippines vẫn là thị trường số một của gạo Việt Nam, chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi.
Ông Hòa dự báo, trong năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines sẽ đạt hơn 2,8 triệu tấn, trong đó 90% khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam, 4,5% từ Thái Lan, 4,3% từ Myanmar, còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.
Ông Subramanian đến từ Công ty Ssresource Media (Singapore) cũng đánh giá, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo sẽ khiến thị trường năm 2024 có những phản ứng có lợi cho lúa gạo Việt Nam.
Dù vậy, doanh nghiệp phải nắm chắc thông tin về thị trường. Theo đó, để cập nhật được thông tin, Việt Nam có thể thai khác từ nhiều nguồn mở trên internet, qua đó có thể hiểu được quan hệ cung - cầu trong thời gian tới, hiểu được về xu hướng giá của lúa gạo.
Ví dụ, ngay bây giờ, trong bối cảnh nguồn cung thu hẹp, thị trường trước mùa Giáng sinh và trước tháng Ramadan (tháng chay của người Hồi giáo) sẽ thúc đẩy nhu cầu về gạo ở các nước châu Á, tập trung chủ yếu từ Indonesia, Philippines và Malaysia.