Chuyện về vận động viên bóng bàn khuyết tật mưu sinh bán vé số dạo

(NTD) - Dù nắng hay mưa, cứ đều đặn mỗi tuần năm buổi, vận động viên bóng bàn khuyết tật Nguyễn Minh Lợi (56 tuổi, TP.HCM) vẫn rong ruổi trên khắp các tuyến đường ở huyện Hóc Môn để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo - cái nghề mà chúng tôi gọi vui là bán “lộc” cho đời. Đây là nguồn thu nhập chính để ông trang trải cuộc sống và phục vụ việc tập luyện của mình...

Sinh ra với đôi chân lành lặn như bao người khác. Nhưng, số phận không may đã khiến cho người đàn ông có khuôn mặt chất phát này bị liệt lần lượt cả hai chân của mình. Ông kể: “Năm 3 tuổi, tôi bị bại liệt chân trái, khoảng hơn 20 năm trước thì liệt luôn chân phải do gặp tai nạn. Cuộc đời tôi như rơi vào ngõ cụt!”.

Tưởng như cánh cửa cuộc sống đã đóng sập lại với ông thì một cơ duyên đã đến. Khoảng đầu những năm 2000, được tin thành phố có đợt tuyển chọn vận động viên để thành lập đội bóng bàn người khuyết tật, ông đã không một chút băn khoăn tìm đến “ứng tuyển”.

“Hồi hộp lắm, nhưng nhờ niềm đam mê bóng bàn từ nhỏ cộng thêm sự động viên của gia đình nên tôi đã vượt qua vòng sơ loại và sau đó được chọn vào đội tuyển bóng bàn người khuyết tật TP.HCM” - ông Lợi nhớ lại.

Hơn 10 năm qua, bằng tài năng và sự nỗ lực của mình, ông Lợi đã đem về nhiều thành tích cho đoàn TP.HCM tại các giải bóng bàn người khuyết tật trong nước cũng như nhiều lần đem vinh quang về cho đất nước khi thi đấu tại các kỳ ASEAN Para Games.

Được biết, ngoài hàng chục huy chương nhận được tại các giải quốc nội thì ông Lợi cũng đã từng 6 lần bước lên bục nhận huy chương ở 3 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp diễn ra tại Indonesia năm 2011, Myanmar 2014 và Singapore năm 2015.

Tuy nhiên, để nói về tấm huy chương đáng nhớ nhất của sự nghiệp thì ông Lợi lại “khiêm tốn” nhớ về tấm huy chương đồng nhận được tại giải đấu ở Đà Nẵng. “Nhận tấm huy chương đồng cùng bó hoa tươi thắm, tôi biết rằng mình vẫn có thể làm được nhiều điều, tự nuôi sống bản thân và gia đình nếu nỗ lực hết mình!” - ông chia sẻ.

 
Vận động viên bóng bàn người khuyết tật Nguyễn Minh Lợi trên bục nhận huy chương vàng tại giải toàn quốc 2019. (Ảnh: NVCC).

Rong ruổi bán “lộc” cho đời ... kiếm kế sinh nhai

Trở về từ Thái Nguyên với 3 tấm huy chương vàng tại giải vô địch bóng bàn người khuyết tật toàn quốc 2019, ông Lợi lại tất tả rong ruổi trên khắp các con đường ở huyện Hóc Môn để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.

Được biết, ông Lợi có hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập của cả gia đình hầu như chỉ trông chờ vào những đồng tiền kiếm được từ nghề bán vé số dạo của ông.

“Mỗi tuần thu nhập nhập từ nghề bán vé số của tôi khoảng 1,5 triệu đồng. Tôi trích ra 300 ngàn để phục vụ việc tập luyện. Số còn lại thì phụ lo cho gia đình và việc học của các con” - ông kể.

Khó khăn là vậy, nhưng vì sự đam mê, lòng nhiệt huyết muốn cống hiến cho thể thao người khuyết tật thành phố cũng như nước nhà nên hàng tuần ông đều dành ra 2 buổi và tự bỏ chi phí để chạy xe qua Trung tâm Thể dục Thể thao Tân Bình tập luyện, duy trì cảm giác thi đấu.

Với phong độ vẫn duy trì ổn định, bằng chứng là vừa mang về 3 tấm huy chương vàng cho đoàn TP.HCM tại giải toàn quốc 2019, quan trọng hơn là sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết muốn cống hiến cho thể thao nước nhà của ông vẫn còn “nóng hổi” ... Chúng tôi tin rằng, nếu bóng bàn có trong danh sách các môn thi đấu tại kỳ ASEAN ParaGames diễn ra ở Philippines vào đầu năm 2020 tới thì cái tên Nguyễn Minh Lợi sẽ là một trong những vận động viên đầu tiên được lựa chọn.

“Kỳ ASEAN ParaGames 2020 có thể sẽ là kỳ đại hội cuối cùng của tôi đại đấu trường khu vực Đông Nam Á. Nếu được tuyển chọn, tôi muốn vắt kiệt những giọt mồ hôi cuối cùng để một lần nữa đứng trên bục nhận huy chương, mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam!” - ông tâm sự.

Vận động viên khuyết tật Nguyễn Minh Lợi vui mừng khi giành thắng lợi. (Ảnh: NVCC).
Gia tài lớn nhất của ông Lợi sau gần 20 năm thi đấu là hàng chục huy chương, bằng khen các loại cả trong nước lẫn quốc tế.

Thanh Minh

Nên đọc