Chuyện hàng tuần: Ra ngõ... gặp quan

(NTD) - Cuối năm 2016, dư luận té ngửa khi báo chí phanh phui vụ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức thì có đến 44 người là lãnh đạo.

Những tưởng chuyện “lắm quan” chỉ là chuyện cá biệt ở một địa phương nhưng hóa ra chuyện lặp lại ở cấp cao hơn và không còn là một điển hình cá biệt.

Mới đây, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin: Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với các bộ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cho ra một kết quả bất ngờ.

Kết quả giám sát cho biết, ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng lãnh đạo cũng… trăm hoa đua nở!. Ở Vụ Tổ chức cán bộ, số lượng lãnh đạo tương đương với số chuyên viên và cán bộ. Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục có 26 nhân viên thì có đến 20 lãnh đạo.

Ở Bộ Giao thông Vận tải, việc bổ nhiệm lãnh đạo có vẻ còn phóng tay hơn, đến mức nhiều đơn vị của bộ có số lãnh đạo thậm chí gấp đôi chuyên viên và người lao động. Chẳng hạn, Cục Quản lý Xây dựng Đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 28 lãnh đạo và 15 nhân viên; Thanh tra bộ, 18 nhân viên có tới 20 lãnh đạo; Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình có 31 nhân viên, 41 lãnh đạo; Vụ Tổ chức Cán bộ, 8 lãnh đạo và 14 chuyên viên; Cục Đường sắt, 30 lãnh đạo và 72 chuyên viên; Vụ Pháp chế, 6 lãnh đạo và 8 chuyên viên.

Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu tổ chức giám sát hết tổ chức bộ máy hành chính các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan Đảng, đoàn thể, địa phương thì chắc chắn sẽ lòi ra những con số vô cùng khủng khiếp.

“Lắm quan” đương nhiên là làm khổ dân. Chưa nói đến chuyện “hành là chính”. Quan nhiều thì gánh nặng chi phí tăng. Rốt cuộc dân còng lưng đóng thuế mà nuôi quan. Một bộ máy hành chính như thế thì dân nào chịu nổi?

Tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức Xây dựng Đảng hôm 4/3, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã phải thốt lên: “Nhân dân bức xúc, oán thán nhiều về chi tiêu cho bộ máy công chức”.

Ba bốn năm trước, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã từng nhận định: “Dân nộp thuế cho ta ngồi đây. Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi” và rằng “Cái gì giờ cắt được thì mạnh dạn cắt”.

Nhưng trước khi mạnh dạn cắt, phải làm cho ra lẽ việc “ra ngõ gặp quan” ở Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Giao thông Vận tải. Và phải xử lý nghiêm. Ít nhất cũng phải quyết liệt như chiến dịch trả lại vỉa hè cho người dân ở TP.HCM và Hà Nội. Đừng để mọi việc chìm xuồng như ở Hải Dương, với cái bùa đã cũ mèm là đề bạt “đúng quy trình”.

 Dương Trọng Dật

 

 
Nên đọc