Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng. Ảnh: Phan Mai |
Phóng viên: Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Quan sát thị trường tôi nhận thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Vừa qua, các ngân hàng đã vào cuộc rất tích cực trong việc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, phương thức thanh toán mới được các ngân hàng triển khai để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong thanh toán phi tiền mặt, có thể kể đến như: chuyển tiền trực tuyến 24/7 qua mobile banking, thanh toán hóa đơn, mua hàng, đặt dịch vụ trực tuyến qua ứng dụng mobile banking, ví điện tử, QR code...
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Các con số trên cho thấy, những nỗ lực của ngành Ngân hàng. Các sản phẩm dịch vụ phi tiền mặt của các ngân hàng ngày càng phổ cập, tạo bước phát triển mới trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Phóng viên: Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có thực hiện miễn giảm nhiều loại phí (tin nhắn SMS, chuyển tiền...). Phải chăng, những nỗ lực này là một trong những nguyên nhân giúp thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh như thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đánh giá cao sự chia sẻ và đồng hành của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo tôi, việc các ngân hàng thực hiện miễn, giảm các loại phí như: Phí tin nhắn SMS, phí chuyển tiền... có thể được xem là một trong những tác nhân giúp thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay.
Phóng viên: Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 tới ngành Ngân hàng. Hồi tháng 4/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản đề nghị 2 tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Master Card thực hiện miễn, giảm một số loại phí giao dịch thẻ để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng Việt Nam nhưng đến nay các tổ chức thẻ quốc tế vẫn còn chậm trễ trong việc đưa ra các giải pháp. Ông có gợi ý như thế nào để yêu cầu Visa và MasterCard thực hiện các kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí là đúng và trúng. Bởi lẽ, ngành Ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức thẻ Visa và MasterCard cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, theo như đề nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam.
Để hiệu quả hơn, tôi cho rằng, đã đến lúc không chỉ Hiệp Hội Ngân hàng, hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo thitruongtaichinhtiente.vn