Chuyên gia nước ngoài hiến kế làm đẹp kênh rạch tại Sài Gòn

(NTD) - Không gian bờ kè hay bờ sông là một phần trong hệ thống giao thông không được tách rời. Đó là ý kiến của ông Miquel Angel Perez Martorell, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia nêu ra tại Hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản vào năm 2025”.

Theo ông Miquel Angel Perez Martorell, 15 năm trước, du lịch Tây Ban Nha bắt đầu tăng trưởng nóng như Việt Nam hiện nay. "Barcelona nơi tôi ở chứng kiến sự bùng nổ của các dịch vụ du lịch từ ăn uống đến nghỉ ngơi, giải trí. Dịch vụ tự phát khắp nơi, các khu nhà nghỉ mọc lên… Hậu quả, du khách xả rác bừa bãi xuống các bãi biển, sông rạch; khách sạn đua nhau mọc lên dọc bờ biển, bờ sông chắn ngang những con đường xuống bãi biển. Sau khi quy hoạch lại, chúng tôi đã phải đập bỏ, di dời rất nhiều tòa nhà", ông Miquel Angel Perez Martorell chia sẻ.

Nhiều khu vực kênh rạch tại TP.HCM bị lấn chiếm nhưng chưa thể xử lý.

Ông Miquel Angel Perez Martorell đánh giá, TP.HCM có mạng lưới sông ngòi đa dạng, đặc biệt là sông Sài Gòn. TP.HCM cần phải mở rộng không gian 2 bên bờ sông Sài Gòn như bờ kè để là nơi người dân đến hóng gió, dạo mát, tản bộ với không khí trong lành, thoáng đãng. Từ đây, người dân dễ dàng kết nối với taxi đường thủy, lên bờ rồi dễ dàng bắt xe để đi đến nơi làm việc, mua sắm... Những không gian bờ kè hay bờ sông là một phần trong hệ thống giao thông, không được tách rời.

TP.HCM được đánh giá là thành phố sông nước, ven biển, nhiệt đới gió mùa, với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành. Khu vực ngoại thành còn có sông Đồng Nai, sông Cần Giuộc, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Soài Rạp, cửa biển Cần Giờ... Đây là nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố, có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.

Chính vì vậy vấn đề làm sao để đảm bảo hành lang tối thiểu của bờ sông, bảo đảm các chức năng cơ bản của sông, kênh rạch... được chính quyền TP.HCM quan tâm suốt nhiều năm qua.

 N.Vũ

Nên đọc