Chuyên gia nói về tác hại của thực phẩm bẩn

(NTD) - Thực phẩm nhiễm hóa chất đang là vấn nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình và sức khỏe của người sử dụng. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Người Tiêu Dùng có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Duy Tài, BS Chuyên khoa 2, PGĐ Bệnh viện Quận 2, và bà Trần Thị Minh Nguyệt, BS Chuyên gia dinh dưỡng (CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood).

PV: Thưa BS, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm kém chất lượng, nhiễm hóa chất được bày bán ở các chợ như: thịt, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm như phẩm màu tổng hợp, siêu bột ngọt, chất làm nhừ xương.... Bác sĩ nhận xét gì về vấn nạn này?

 BS. Nguyễn Duy Tài:

Thời gian gần đây, người tiêu dùng hết sức quan tâm nạn thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt là những thực phẩm nhiễm hóa chất. Các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng, chăn nuôi, chế biến, sản xuất và bảo quản thực phẩm. Vấn đề này mang tính thời sự, và để giải quyết triệt để, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và nhiều vấn đề liên quan khác của xã hội.

BS. Nguyễn Duy Tài - BS Chuyên khoa 2, PGĐ Bệnh viện Quận 2

PV: BS cho biết việc sử dụng những thực phẩm bẩn này có ảnh hưởng tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng như thế nào?

BS. Nguyễn Duy Tài:

Trong thực phẩm được bày bán và sử dụng hằng ngày ở các chợ, hầu hết đều có sử dụng hóa chất để bảo quản hay chế biến với liều lượng phù hợp. Tuy nhiên, với việc sử dụng hóa chất tràn lan không được kiểm soát như hiện nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Trước mắt, những thực phẩm nhiễm hóa chất sẽ gây ra một số triệu chứng với biểu hiện lâm sàng nhẹ như rối loạn tiêu hóa đường ruột, ngộ độc thức ăn, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu. Nếu nặng hơn, sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, mật, thần kinh, cơ gây nguy hiểm tới tính mạng. Về lâu dài, khi tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến những bệnh nan y khó chữa như ung thư mật, gan, dạ dày, ruột, thậm chí vô sinh.

PV: Với kinh nghiệm chuyên môn, ông có lời khuyên hay kinh nghiệm nào để giúp NTD lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

BS. Nguyễn Duy Tài:

Tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình mà NTD lựa chọn cho mình một nguồn thực phẩm riêng. Tôi nghĩ nên chọn nguồn thực phẩm có nguồn gốc, đã qua kiểm duyệt ở các hệ thống siêu thị, của hàng thực phẩm sạch. Tuy không đảm bảo được 100% nhưng so với nguồn thực phẩm trôi nổi bày bán ngoài chợ thì độ an toàn cao hơn. Nên lựa chọn thực phẩm mà tiêu chí hàng đầu là chất lượng chứ đừng ham số lượng mà mua nhầm hàng chứa các chất độc hại.

Các bà nội trợ nên sử dụng phẩm màu tự nhiên như gấc, nghệ, lá dứa thay cho các loại phẩm màu hóa học vì về lâu dài, khi các hóa chất này tích lũy đủ sẽ gây ra các bệnh lí mà với y học hiện giờ cũng khó mà chữa trị được.

PV: Đối với trường hợp trẻ em thường xuyên ăn phải thực phẩm bẩn chịu ảnh hưởng gì đến sự phát triển về thể chất và quá trình trưởng thành của trẻ?

BS. Trần Thị Minh Nguyệt:

Phụ nữ độ tuổi sinh sản thường xuyên ăn phải thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Trẻ em cũng là đối tượng đặc biệt, cơ thể non đang tăng trưởng, nhu cầu các chất dinh dưỡng rất cao để đáp ứng sự phát triển về thể chất, trí não để trưởng thành. Việc trẻ ăn thường xuyên thực phẩm bẩn sẽ hạn chế tăng trưởng do nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng. Nếu trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, cơ thể khó đào thải và tích lũy dần trong người, gây suy gan, suy thận, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây suy tủy, thiếu máu, giảm bạch cầu, ung thư...

BS. Trần Thi Minh Nguyệt - BS chuyên gia dinh dưỡng 

PV: Là chuyên gia về dinh dưỡng bác sĩ có những lời khuyên gì muốn chia sẻ với các bà nội trợ trong việc chăm sóc bữa ăn hằng ngày đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình mình?

BS. Trần Thị Minh Nguyệt:

Do điều kiện kinh tế khó khăn, thói quen ăn uống còn dễ dãi, thích các món “ngon, nhìn bắt mắt” và rẻ, NTD đã tạo điều kiện cho những người sản xuất kinh doanh vô lương tâm có cơ hội bất chấp mọi thủ đoạn để làm ra sản phẩm bẩn nhưng bắt mắt, dễ bán, lợi nhuận cao.

Để bữa ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm mua những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm định chất lượng, được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu, tránh mua hàng trôi nổi, không nên ăn uống ở những hàng quán kém vệ sinh, đồng thời biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm thích hợp để giữ lại dưỡng chất, phòng và loại bỏ những tác nhân gây hại như ngâm rửa cẩn thận là những biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe gia đình.

PV : Xin cảm ơn hai bác sĩ về buổi chia sẻ này.

Phong Sơn

Nên đọc