Chuyên gia lo ngại “bong bóng” bất động sản có thể vỡ?

(NTD) - Các chuyên gia bất động sản cho rằng tình trạng giá đất nền tăng đến hơn 100% trong một năm qua là dấu hiệu của việc tăng nóng. Nếu ngân hàng vẫn tiếp tục đổ nguồn vốn lớn vào bất động sản thì rủi ro "bong bóng" sẽ xảy ra.

Hiện nay cơn sốt bất động sản đang diễn ra với mức độ khác nhau, nếu đến cuối năm nay mà vẫn không có điểm dừng thì nhiều dự báo cho rằng "bong bóng" sẽ nổ ra ở một vài địa phương, từ đó sẽ lan ra các nơi khác.

Mặc dù đã bước qua quý 3/2018 nhưng thị trường bất động sản vẫn chưa cho thấy gam màu sáng. Có nhiều quan điểm khác nhau về diễn biến thị trường bất động sản những tháng còn lại của năm 2018 và đầu năm 2019. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến cho rằng đây là thời điểm “nhạy cảm”, nhà đầu tư cần thận trọng bởi một khi “bong bóng” vỡ thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.

Nhiều rủi ro

Mới đây, tại Hội thảo “Sốt bất động sản - cơ hội và rủi ro” được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, có nhiều lý do để lo ngại về “bong bóng” bất động sản.

Mặc dù không khẳng định liệu đây có phải sẽ là cuộc khủng hoảng lớn hay không, nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời điểm hiện nay rất khó lường, chúng ta không nên chủ quan vì thời gian qua, các ngân hàng cho vay bất động sản, chứng khoán rất nhiều, đây lại là 2 khoản vay vốn tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, thị trường đang đứng trước nhiều rủi ro như giá đất dự án tăng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nhà đầu tư khi họ vào thị trường phát triển dự án. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ cho thuê cũng giảm so với trước, điều này sẽ khiến cho nhà đầu tư cá nhân cân nhắc trong việc đầu tư vào bất động sản để cho thuê. Chẳng hạn, cùng tại một vài khu vực, nếu như cách đây 2 năm, chủ đầu tư cam kết tỷ suất lợi nhuận cho thuê từ 7-8%, thì nay chỉ đạt cao nhất từ 6-6,5%, và mức trung bình chỉ là 5% vì nguồn cung căn hộ quá nhiều. Ngoài ra, thị trường cũng có rủi ro liên quan đến tiến độ xây dựng của các công trình hạ tầng. Khả năng chậm tiến độ của nhiều công trình khó tránh khỏi. Khi đó, thị trường chịu tác động của việc giá không tăng như kỳ vọng của người mua.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu giá bất động sản ở bất cứ vùng nào, phân khúc nào mà trong 1 năm tăng lên 100% thì có thể sẽ có khủng hoảng. Nếu giá bất động sản tăng lên 5-10% thì bình thường, 10% là cao, từ 20-50% là rất cao, từ 50-75% là quá cao và tăng đến 100% là dấu hiệu đi vào “bong bóng” bất động sản.

Sẽ xảy ra khủng hoảng?

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung, hiện đã có 8/10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản. Ông Chung cho rằng, các dấu hiệu như: Giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản đều đang tăng cho thấy nguy cơ về một đợt khủng hoảng.

Mới đây, trả lời báo chí, TS. Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, đã xuất hiện dấu hiệu “bong bóng” rất rõ như đất tại khu vực Q.9 có nơi cao hơn Q.2, một số khu vực tại TP.HCM có nơi tăng 2, 3 lần chỉ trong một vài tháng; người mua bất động sản phần lớn là giới đầu tư, mua đi bán lại… Ông Du cũng cho rằng, trong cơn sốt đất, tất cả những người tham gia thị trường đều như đang ôm “bom” nhưng họ quên rằng tại thời điểm mình muốn đẩy “quả bom” đó đi thì cả thị trường ai cũng đều đang giữ “quả bom” này. Nếu “bom” nổ, “bong bóng” vỡ thì rất ít người thoát ra được.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chính giới đầu nậu và “cò đất” đã thổi giá, tạo sóng gây ra các đợt sốt ảo giá đất nền tại một số địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là qua các cơn sốt, thị trường đất nền đã thiết lập mặt bằng giá mới trên thị trường. Vì vậy, người có nhu cầu mua đất ở thực sự khó tìm được giá phù hợp với túi tiền của mình còn đối với những người đã lỡ “ôm” đất giá cao thì giờ không biết làm sao để ra hàng!

Dự báo về thời điểm bong bóng vỡ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay cơn sốt bất động sản đang diễn ra với mức độ khác nhau, nếu đến cuối năm nay mà vẫn không có điểm dừng thì bong bóng sẽ nổ ra ở một vài địa phương, từ đó sẽ lan ra các nơi khác.

 Tấn Lợi

 
Nên đọc