Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030

(CL&CS) - Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030

Chương trình đã đạt được những kết quả rất tích cực, tạo được phong trào NSCL rộng khắp trong cả nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam  nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Ngày 31/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1322/QĐ-TTg  phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.  

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phê phê duyệt có mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa  trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao NSCL, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 Mục tiêu cụ thể của Chương trình là tăng tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tăng cường đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn chuyên gia NSCL, tăng số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao NSCL, tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp, cụ thể như sau:

- Tỷ lệ hài hòa của hệ thống  TCVN với tiêu chuẩn quốc tế (TCQT), tiêu chuẩn khu vực (TCKV) giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 65%; đoạn 2026 – 2030  là 70 - 75%;

- Đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn chuyên gia NSCL tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 cho khoảng  600 chuyên gia; giai đoạn 2026 – 2030 cho khoảng 1.000 chuyên gia, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế;

- Số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao NSCL hàng năm giai đoạn 2021 - 2030  tăng từ 10 - 15%, trong đó số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao NSCL, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc;

- Tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Chương trình đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến: hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường công tác thông tin, truyền thông; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL,…; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về NSCL, cụ thể như sau:

1.  Về hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao NSCL:  Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế;  Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng.

2. Về tăng cường công tác thông tin, truyền thông về NSCL: Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp;  Tổ chức, triển khai các hình thức thông tin truyền thông để phổ biến, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao NSCL;  Xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn đối sánh và thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác; Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao NSCL. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.

3. Về hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh: Hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố;  Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...; Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

4. Về đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao NSCL: Xây dựng, ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên gia NSCL đạt tiêu chuẩn quy định;  Tổ chức đào tạo đội ngũ giảng viên NSCL. Mở rộng đào tạo kiến thức về NSCL trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về NSCL cho cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo của Tổ chức Năng suất Châu Á và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.

5. Về tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao NSCL, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh;  Nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đuợc công nhận, thừa nhận ở khu vực và quốc tế; Đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng, an toàn và sinh thái của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực;  Đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ.

6. Về đẩy mạnh hợp tác quốc tế về NSCL: Tăng cường hợp tác, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án năng suất của Tổ chức Năng suất Châu Á;  Phối hợp với Tổ chức Năng suất Châu Á hình thành và triển khai hoạt động của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất tại Việt Nam; Trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật gia tăng năng suất, so sánh năng suất với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng  giao  Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, điều hành hoạt động của Chương trình; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là cơ quan thường trực Chương trình;  các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm chỉ định cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm, hằng năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành, lĩnh vực, tập trung vào sản phẩm, hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chủ lực; Các bộ, cơ quan khác căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước được giao chủ động, phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có liên quan thuộc Chương trình theo quy định của pháp luật;  Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện, chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN rà soát, bổ sung cơ chế quản lý tài chính; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ định cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao NSCL các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương;  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trung ương và địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan vận động, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về NSCL cho doanh nghiệp; tham gia xét chọn khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động thúc đẩy nâng cao NSCL.

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1322) thực sự là chương trình tiếp nối Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712). Với nền tảng những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm triển khai Chương trình 712 thời gian qua, hy vọng Chương trình 1322 sẽ đưa phong trào NSCL ở nước ta lên tầm cao mới, giúp các doanh nghiệp Việt Nam  nâng cao hơn nữa năng suất và hiệu quả hoạt động, đưa chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt nam có khả năng cạnh tranh cao trên trường quốc tế, góp phần tích cực nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

TIN LIÊN QUAN