Thông qua chuỗi hoạt động tập huấn, thực địa và kết nối mạng lưới, VSF mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ các phóng viên trẻ trở thành những người tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới.
30 phóng viên phù hợp sẽ được lựa chọn theo các tiêu chí về độ tuổi (22-30 tuổi), đã tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian cho các cơ quan báo chí, truyền hình và mong muốn tìm hiểu và nâng cao kiến thức và kỹ năng về bình đẳng giới và truyền thông có nhạy cảm giới (truyền thông không củng cố các định kiến giới).
Chương trình đào tạo gồm 3 hợp phần:
- Khóa tập huấn tại Hà Nội: dự kiến 7-8/7/2021
- Chuyến thực địa và tọa đàm tại Hải Phòng: dự kiến 11/8/2021
- Kết nối và trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tư vấn và giải đáp các thắc mắc liên quan đến chủ đề qua zalo group trong và sau chương trình
Thông qua 2 ngày tập huấn và 1 chuyến thực địa tại Hải Phòng, các phóng viên sẽ hiểu được các khái niệm cơ bản về giới và bình đẳng giới, cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của bình đẳng giới, và vai trò của truyền thông đại chúng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ cung cấp kiến thức về các tiêu chuẩn và khung pháp lý quốc tế liên quan và bối cảnh bình đẳng giới ở châu Á cùng các chính sách tại Việt Nam. Các học viên cũng sẽ được tìm hiểu một số vấn đề giới cần được giải quyết ở Việt Nam như: bạo lực gia đình; bạo lực giới, bất bình đẳng giới trong phân công lao động; bất bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Đặc biệt, cách phát triển các sản phẩm báo chí mang tính nhạy cảm giới, và các sản phẩm báo chí tập trung trực tiếp vào giải quyết các vấn đề giới sẽ là nội dung chính của chương trình đào tạo.
Không những được học hỏi và trao đổi/chia sẻ với các đồng nghiệp và chuyên gia về chủ đề giới và bình đẳng giới, và thực hành phát triển các sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới, các học viên còn có cơ hội tiếp cận với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và công nhân trong các khu công nghiệp/ cơ hội trên địa bàn dự án của VSF, được kết nối với chính quyền địa phương và tạo điều kiện để khai thác các đề tài phong phú.
Chương trình đào tạo được thực hiện theo hình thức phi lợi nhuận, vì vậy toàn bộ học viên sẽ tài trợ toàn bộ chi phí đào tạo (học phí, học liệu, ăn trưa, teabreak, phương tiện di chuyển trong chuyến thực địa). Sau khi hoàn thành chương trình, các học viên sẽ trở thành thành viên của mạng lưới phóng viên trẻ tiên phong vì bình đẳng giới và được cấp chứng chỉ của dự án.
Hạn đăng ký kết thúc vào 14/6/2021.
Sáng kiến “Giới – Bình đẳng Giới với các phóng viên trẻ” của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã vượt qua 12 đề xuất trong khu vực châu Á nhận được tài trợ từ Chương trình Tài trợ nhỏ của Mạng lưới Tập huấn viên về Giới khu vực Châu Á (2021 AGenT SGP).
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2014 nhằm đóng góp vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), đặc biệt là các Mục tiêu liên quan đến giáo dục, bình đẳng và chăm sóc sức khỏe. Với những đóng góp tích cực, Quỹ được trao tặng giải thưởng “Tổ chức phi lợi nhuận tốt nhất năm 2019 Châu Á” do Asia Philanthropy Award bình chọn.
Để biết thêm thông tin về Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, vui lòng truy cập:
Website: http://vitamvocviet.vn/