Trong 2 ngày 23, 24/9 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ diễn ra chương trình Trung thu với chủ đề: “Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học”.
Tham gia chương trình, các em nhỏ có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn trong mùa Trung thu như múa lân, rước đèn Trung thu; tìm hiểu ý nghĩa mâm cỗ truyền thống và cách bày trí; chơi trò chơi dân gian vui nhộn; học làm bánh dẻo với nhiều hình thù thú vị.
Các em nhỏ trải nghiệm múa lân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Nguồn: BTDTHVN
Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, thợ thủ công lâu năm, các em sẽ được tự tay làm các món đồ chơi dân gian như: đèn kéo quân, đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, mâm ngũ quả bột, phỗng đất, mặt nạ giấy bồi...
Bên cạnh những món đồ chơi trung thu đã được duy trì trình diễn nhiều năm, nhiều món đồ chơi bị thất truyền đi hoặc hiếm có cơ hội xuất hiện trước công chúng sẽ được trưng bày tại Bảo tàng trong mùa Trung thu 2023 này.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã dành một góc trưng bày những đồ chơi tàu thủy sắt tây, điện thoại ống tre, rối tre, người đu xà… Các em nhỏ có cơ hội ngắm nhìn, cầm sờ và trải nghiệm đồ chơi ngay trong Phòng khám phá.
Cùng với hoạt động làm đồ chơi, trẻ em còn có cơ hội chơi một số trò chơi vận động như: nhảy bao bố, ném lon, bịt mắt đánh trống, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo… và học những bài hát đồng dao thông qua chơi trò chơi rồng rắn lên mây, chơi chuyền.
Trong dịp này, các em cũng có cơ hội thưởng thức những tiết mục múa lân sôi động. Hoạt động trải nghiệm thử tài múa lân và rước đèn Trung thu luôn được các em nhỏ thích thú tham gia.
Những bạn nhỏ thích tìm hiểu và thưởng thức hương vị mùa thu qua ẩm thực có thể tự tay làm một chiếc bánh dẻo hay giã cốm bằng cối đá. Những bạn yêu thích văn hóa Hàn Quốc có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Hàn Quốc thông qua mâm cỗ và video trong phòng trưng bày Hàn Quốc.
Bên cạnh các hoạt động thường niên vào mùa Trung thu, chương trình năm nay tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có hoạt động mới là góc trải nghiệm VR tour: Khám phá trung thu xuyên không cùng con, hứng quà trung thu trên nền nhạc vui nhộn, tìm hiểu ý nghĩa trung thu qua QR trong trưng bày.
Không gian Phòng khám phá dành cho trẻ em. Nguồn: BTDTHVN
Bên cạnh đó là góc STEM khám phá khoa học, làm đồ chơi dân gian và thí nghiệm khoa học giúp con hiểu biết kiến thức Vật lý, Hóa học, Toán học… Góc sáng tạo qua hoạt động làm bưu thiếp trung thu từ vải vụn và chế tác đồ trang trí qua nghệ thuật Họa Kim Sa.
Một hoạt động mới nữa của chương trình đó là Bảo tàng tạo một không gian âm nhạc mở để đưa cơ hội cho các bạn trẻ chủ động thể hiện tiếng nói của mình trước công chúng. Hoạt động này giúp genZ có nhiều cơ hội kết nối và chia sẻ tiếng nói cùng nhau.