Chùa Hương được đặt nhiều hòm công đức hơn quy định

Một ban thờ nhỏ có đến 2 khay đựng tiền lớn là để tránh tình trạng chen lấn, tiền giọt dầu bị đặt vương vãi hoặc giắt vào tượng Phật, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương lý giải việc đặt hòm công đức và nhiều khay đựng tiền giọt dầu hơn mức quy định,

Tại cuộc họp với đoàn kiểm tra liên ngành ngày 28/2, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương Nguyễn Văn Hậu đã giải thích lý do chậm xử lý dịch vụ kinh doanh đổi tiền lẻ. Ông thừa nhận, 9 ngày sau khi khai hội (14/2), Ban tổ chức mới ra thông báo, làm biển cấm, tạm thu tiền và yêu cầu những người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội ký cam kết ngừng hoạt động. Trước đó, chỉ tính riêng khu vực Đền Trình đã có 76 trường hợp kinh doanh đổi tiền công khai với 10.000 đồng tiền chẵn đổi được 7.000 đồng tiền lẻ.

Theo ông Hậu, ngày 14/2 huyện Mỹ Đức mới nhận được thông báo từ cấp trên rằng Hà Nội cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ. “Ngay chiều hôm đó, chúng tôi ra thông báo, làm biển và cấm triệt để”, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương trình bày.

Dù cho biết đã làm theo chỉ đạo, vị này cho rằng: “Văn bản số 25/BVHTTDL-VHCS của Ngân hàng nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia lễ hội sử dụng tiền mệnh giá nhỏ như thế nào chứ không cấm đổi tiền lẻ”.

Trước đó, Thứ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên từng khẳng định: “Năm 2014, Bộ xác định khâu đột phá trong việc quản lý tiền giọt dầu, tiền lẻ”. Bà đặc biệt lưu ý các địa phương “quản lý chặt, không để xảy ra các hiện tượng đổi tiền lẻ có chênh lệch tại các điểm di tích, lễ hội”. Phát ngôn của Thứ trưởng được cho là thể hiện sự quyết liệt của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với vấn đề xử lý nạn tiền lẻ ở các lễ hội gây nhức nhối dư luận nhiều năm qua.

Cũng tại buổi họp tổ chức ngày 28/2, trả lời đại diện Thanh tra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc chùa Hương đặt quá 3 hòm công đức và nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hơn mức quy định, ông Hậu cho rằng: “Lễ hội Chùa Hương rất đông, nếu chỉ để mỗi một điểm 3 hòm công đức thì lại tạo hiện tượng chen lấn”. Người đứng đầu Ban tổ chức lễ hội thông tin thêm, năm 2013 Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đồng ý cho chùa Hương linh động trong việc đặt hòm công đức.

Theo ông, “một ban thờ nhỏ có đến 2 khay đựng tiền lớn” là để tránh tình trạng tiền giọt dầu bị đặt vương vãi hoặc dân giắt vào tượng Phật.

Theo Ban tổ chức, hiện các hàng quán treo thịt thú rừng lộ thiên ngay lối vào cửa chùa Hương, gây hình ảnh phản cảm đã được xử lý triệt để. Toàn bộ 47 cửa hàng ăn uống đã dán giấy bóng mờ 3 mặt tủ bảo quản thực phẩm; không có thú rừng tự nhiên được bày bán.

Kết thúc buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến đánh giá, về cơ bản ban tổ chức, quản lý lễ hội chùa Hương từng bước khắc phục tốt các bất cập dịp đầu lễ hội. Ông đề nghị chính quyền hướng dẫn du khách đặt tiền giọt dầu vào hòm công đức; kịp thời xử lý nạn chặt chém, lái đò vòi thêm tiền của khách, quảng cáo bằng loa đài…

Từ đầu lễ hội đến 28/2, Chùa Hương đã đón 72 vạn lượt khách. Tuy đông đúc nhưng chưa có vụ đánh nhau gây thương tích nào xảy ra. 5 người có hành vi phe vé cáp treo, 31 người của các nhà đò bám đuổi khách đã bị xử lý.

Quỳnh Trang

Nguồn: vnexpress.net