Chống hàng giả: Cần hoàn thiện các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

(NTD) - Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm đối với quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng diễn biến phức tạp, công khai xem thường dư luận và cơ quan chức năng - Cục Quản lý Thị trường (QLTT TP.HCM) vừa đưa ra kiến nghị các cấp thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền SHTT trên địa bàn thành phố.

Cục QLTT-TP.HCM kiến nghị:

Các điều quy định trong luật phải được hướng dẫn cụ thể để cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng một cách thống nhất.

Trong công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, xâm phạm SHTT, việc trả lời kết luận giám định, ý kiến chuyên môn của cơ quan chức năng, hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu phục vụ cho công tác xử lý cần phải nhanh chóng, đáp ứng thời gian theo quy định của Luật xử vi phạm hành chính và Pháp lệnh QLTT (thời hạn xử lý vụ việc từ 25 ngày, hoặc 40 ngày phải có kết luận).

Cần sửa đổi khoản 4 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính Phủ: “Người có quyền xử lý vi phạm có thể dựa trên văn bản cam kết xác nhận hàng hóa, dịch vụ giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, văn bản ý kiến chuyên môn của cơ quan Nhà nước về sở hữu công nghiệp, văn bản kết luận giám định để xác định hành vi vi phạm nhưng phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết luận vi phạm và quyết định xử lý vi phạm của mình” theo hướng quy định: “Văn bản kết luận giám định hoặc văn bản của cơ quan chuyên môn SHTT, hoặc văn bản xác nhận chủ thể quyền là tài liệu làm căn cứ kết luận vi phạm”.

Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 11 và điểm a khoản 1 điều 12 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi vận chuyển; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý do hành vi vi phạm này được quy định không rõ ràng, cụ thể nên khó xử phạt đối với người vận chuyển thuê và chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở cho thuê, vì nếu muốn xử phạt phải chứng minh được đối tượng vi phạm vận chuyển, tàng trữ hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với mục đích là để bán. Hành vi vi phạm này cần được quy định cụ thể lại là: Vận chuyển; tàng trữ hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Đại diện Bộ Công thương công bố chức năng, nhiệm vụ của Cục QLTT TP.HCM.

Ý kiến chuyên gia

Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy vai trò tham gia của doanh nghiệp (DN) (chủ sở hữu quyền SHTT) trong thực thi là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN trong công tác phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật. Sự liên kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. DN không được buông lỏng trong quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hóa của mình, không nên coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động gửi đơn khiếu nại hoặc thông qua văn phòng luật sư để khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Cục QLTT TP.HCM khuyến cáo người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là việc làm rất cần thiết. Việc làm này không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà còn bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế đất nước, chống lại các hành vi phá hoại, kìm hãm sự phát triển của sản xuất.

Xuân Trinh

 
Nên đọc