Video clip Xin hãy thay đổi vì thế hệ tương lai với phần dẫn dắt của MC Phan Anh đang được cộng đồng rầm rộ chia sẻ kèm nhiều lời ngợi khen bởi thông điệp chung tay bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng; chống hàng giả, hàng kém chất lượng.
Rất tiếc, clip này, dễ dãi thì có thể xem là học hỏi; còn nghiêm túc thì phải gọi là đạo nhái, bởi ngay từ cách dàn dựng, cách thể hiện lẫn thông điệp đều tương tự clip Dear future generations: Sorry của rapper người Mỹ Prince Ea phát hành năm ngoái trên YouTube.
Mở đầu clip, Prince Ea Dear future generations thì Phan Anh Xin chào thế hệ tương lai; Prince Ea đưa số liệu 50% cây xanh bị đốn hạ trong 100 năm qua với tốc độ tương ứng với 40 sân vận động mỗi phút thì Phan Anh cũng đưa số liệu mỗi ngày cơ quan chức năng phát hiện 500 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả hoặc kém chất lượng, 35% số người chết vì ung thư liên quan đến thực phẩm bẩn.
Clip Dear future generations: Sorry của rapper Prince Ea |
Trong clip của mình, Prince Ea đứng trên một mảnh đất khô cằn, nứt nẻ thì clip của Phan Anh đứng trên phông nền cảnh núi rừng. Prince Ea nói “An error does not become a mistake, until you refuse to correct it” thì Phan Anh bảo “Một lỗi lầm không thể thành sai lầm nếu chúng ta biết sửa chữa nó”. Ngay ở phần giới thiệu clip, nhóm thực hiện Xin hãy thay đổi vì thế hệ tương lai cũng viết rằng đó là lời xin lỗi được gửi đến thế hệ tương lai từ một người đang sống ở hiện tại.
Phần sau clip, Prince Ea khuyến khích mọi người hãy hành động để bảo vệ môi trường sống và ủng hộ cho dự án phi chính phủ nhằm bảo vệ rừng cũng như muông thú, thì Phan Anh cũng kêu gọi mọi người chung tay chống hàng giả, thực phẩm bẩn và quảng bá cho một phần mềm đọc mã vạch của một doanh nghiệp tại Hà Nội.
Kêu gọi chung tay chống hàng giả, hàng nhái thông qua một video clip sao chép thì sao có thể thuyết phục được? Chưa kể, khi bị chỉ trích là đạo nhái, Phan Anh tỏ ra bất cần khi bảo mình không quan tâm và rằng người chỉ trích đã không phân biệt được một clip liệu có phục vụ cho mục đích thương mại hay không. Phan Anh đặt câu hỏi “Ý tưởng tạo cảm hứng thì có vấn đề gì khi nội dung khác nhau?” cho thấy anh chưa nắm rõ về quyền sở hữu trí tuệ.
Đoạn clip chống hàng giả, quảng bá phần mềm của Phan Anh có nội dung, cách dàn dựng, thể hiện khá tương đồng với clip của rapper Prince Ea ra mắt năm ngoái |
Tuy nhiên, nếu tạm gác lại chuyện đạo nhái giữa hai video clip thì về mặt kỹ thuật, một phần mềm đọc mã vạch hoàn toàn không có khả năng phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả hoặc hàng kém chất lượng, bởi những thông tin được lưu trên mã vạch chỉ thuần túy là tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, quốc gia sản xuất chứ không cho biết thành phần, nguyên liệu, đặc tính sản phẩm.
Chưa kể, phần mềm đọc mã vạch không thể nhận diện được sản phẩm giả nếu nó được dán hoặc in mã vạch như sản phẩm thật. Mã vạch vốn chỉ được dùng để phân loại, sắp xếp sản phẩm thì nay lại được quảng bá như phương thức bảo vệ sức khỏe và túi tiền của người tiêu dùng. Kiểm tra thực tế ngay trên phần mềm được Phan Anh giới thiệu thì quả thật các sản phẩm đều chỉ có tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại.
Phần xuất xứ sản phẩm không chính xác khi các dòng điện thoại iPhone đều được phần mềm thể hiện là của hãng Apple, quốc gia là United States trong khi mọi tín đồ “nhà táo” đều biết iPhone được sản xuất tại Trung Quốc. Phần giới thiệu từ gà đẻ, vịt, ngan còn sống của công ty A. đều được phần mềm này cóp dán y như nhau, chỉ thay tên sản phẩm.
Với việc cho phép mọi người tự đánh giá, xây dựng thông tin cho sản phẩm, phần mềm được Phan Anh quảng bá khẳng định mình đảm bảo sự khách quan và minh bạch trong khi những người tiêu dùng thông minh đều biết các doanh nghiệp luôn có đội ngũ marketing online chuyên trách việc đánh bóng thương hiệu, sản phẩm của mình.
Xây dựng tương lai, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chống hàng giả… chẳng thể chỉ bằng một phần mềm đọc mã và lấy lại niềm tin cũng chẳng thể từ một sản phẩm sao chép.
Theo Phạm Thành Nhân (PNO)