Chọn tăng trưởng xanh để đón đầu cơ hội đi tới thịnh vượng

(CL&CS) - Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030 là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng kinh tế.

Xanh để quốc gia đạt thịnh vượng toàn diện

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.Với Việt Nam, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2012-2020 đã đạt được những thành tựu nổi bật nhưng kết quả mang lại còn cách xa qua nhiều với mục tiêu. Và bản Chiến lược này có nhiều hạn chế.

Còn trên thế giới, các quốc gia đang lao vào cuộc đua xanh. Sau một quá trình dài phát triển kinh tế một mặt tạo nên sự thịnh vượng giàu có nhưng mặt trái là đang làm nghèo kiệt tài nguyên, hủy hại môi trường… Đặc biệt là đại dịch COVID-19 bùng nổ và khí hậu cũng đang biến đổi mạnh mẽ.

Vì thế “Các quốc gia trên thế giới đang bắt đầu suy nghĩ lại về các lựa chọn để đạt được sự thịnh vượng kinh tế một cách bền vững. Vì thế Phục hồi tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh hay khôi phục xanh nên hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu và lựa chọn tăng trưởng xanh cũng được coi là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia.

Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang bắt tay vào xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030. Nhưng với tham vọng lớn lao hơn và dài lâu hơn, chiến lược này không dừng lại ở năm 2030 mà còn mang tầm nhìn 2045, hướng tới 2050.

Tăng trưởng xanh để Việt Nam đi tắt đón đầu, hướng tới khát thịnh vượng, nâng cao chất lượng cuộc sống Ảnh: Tri Nhân

Ấp ủ ý tưởng và kỳ vọng với chiến lược tăng trưởng xanh mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: việc xây dựng “Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, hướng tới 2050” là mục tiêu và ưu tiên cấp thiết giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người”.

Bản chiến lược này cũng hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia. Tăng trưởng xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài.  

Ông Lê Việt Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết khung cơ bản về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được hình thành. Trong đó cụ thể hóa mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và xác định kịch bản tăng trưởng tối ưu dựa trên cân đối lợi ích và chi phí giữa phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu giảm phát thải, tăng cường tính chống chịu của nền kinh tế.

Chiến lược cũng định hướng đầu tư dài hạn của quốc gia theo lộ trình và là cơ sở để cân đối và huy động hiệu quả các nguồn lực, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược ngành.

“Dấu thăng” cho xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững

Ý tưởng xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mang tầm nhìn xa hướng tới nền kinh tế trung tính cácbon này của Việt Nam được nhiều chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ và tin tưởng khi nó được xây dựng với phương pháp định lượng tính và đưa ra các mục tiêu cụ thể.

Trong đó các mục tiêu được đặt ra cho giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với GDP, mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài....

“Với phương pháp định lượng tính với mục tiêu cụ thể Việt Nam đã tự định vị mình ở đâu, Việt Nam sẽ có vị trí tốt hơn rất nhiều”, ông Gareth Ward – Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam phát biểu.

Vị Đại sứ này nhấn mạnh đến phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam bởi hiện nay phát thải từ năng lượng đang chiếm khoảng 2/3 đến ¾ trong tổng phát thải ở Việt Nam. Và ông góp ý : “Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh đến phát triển năng lượng tái tạo. Tôi cũng xin nói thẳng chiến lược này chưa nói đến đóng cửa nhà máy điện than”.

Cần một chiến lược tăng trưởng xanh là cấp thiết.Nhưng theo các chuyên gia tăng trưởng xanh không phải là điều dễ dàng, phải chịu rất nhiều áp lực từ cách nhìn nhận về mô hình phát triển kinh tế xã hội.

Chiến lược xanh cơ bản là sự đánh đổi. TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) phát biểu.

“Để thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh chúng ta phải trả lời được câu hỏi có dám chơi không, có dám trở thành hình mẫu về một quốc gia đang phát triển thực hiện tốt nhất ý nghĩa về sự phát triển theo nghĩa rộng. Để làm được thì phải có các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp rõ ràng và cụ thể”, ông Thành nói.

Cũng cùng một góc độ nhìn thành công hay không trông vào thực hiện, ông Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng thứ ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho rằng phải chấm dứt chuyện có các giải pháp nói rất hay nhưng không thực hiện.

Để  có một chiến lược tăng trưởng xanh tốt cho giai đoạn mới và thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu như kỳ vọng thì cầm có có chế tài giám sát và đánh giá thông qua các quy định và hướng dẫn cụ thể.

“Trong chiến lược, các quy định sẽ cụ thể, có tính ràng buộc cao hơn trong triển khai thực hiện và cả biện pháp xử lý sau giám sát, gắn với trách nhiệm các bên”, Vụ trưởng Anh cho biết.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng: “Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanhvới Chiến lược tăng trưởng xanh 2021- 2025 mang tầm nhìn 2045 là một lựa chọn tất yếu, là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Bản chiến lược này là một “dấu thăng” cho xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước các cú sốc bên ngoài.  

TIN LIÊN QUAN