Chớ vội mừng khi condotel mới chỉ được “cởi trói”

(NTD) - Dù được cấp “giấy khai sinh” nhưng theo các chuyên gia đánh giá đây là động thái được ít mất nhiều, vì suy cho cùng có sổ đỏ hay không có sổ đỏ bản chất của condotel không thay đổi, vẫn là căn hộ du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ban hành Văn bản 703 hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có nhắc tới loại hình căn hộ du lịch (condotel).

Văn bản nêu, Bộ TN-MT đề nghị sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất. Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Từ đó bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc coi văn bản của Bộ TN-MT nói trên là chứng nhận cấp “giấy khai sinh” hay cấp “sổ đỏ” cho condotel thực chất là sự ngộ nhận. Nhiều người háo hức, ủng hộ việc làm này của Bộ TN-MT và xem đây là một tín hiệu vui, cú hích mới cho thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Bởi thời gian qua thị trường bất động sản hứng chịu hàng loạt khó khăn, vướng mắc nhất là đối với loại hình căn hộ du lịch condotel sau cú sốc Cocobay Đà Nẵng. Tuy nhiên, nên xem lại bản chất của việc cấp “giấy khai sinh” cho condotel và việc loại hình này được cấp “giấy khai sinh” có thực sự khiến giới đầu tư an tâm?

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, văn bản hướng dẫn của Bộ TN-MT không phải là văn bản quy phạm pháp luật và chưa có gì rõ ràng. Văn bản hướng dẫn của Bộ TN-MT nói rõ là việc thực hiện vẫn dựa trên những quy định của Luật Đất đai. Trong khi Luật Đất đai hiện chưa quy định cụ thể về loại hình condotel nên không thể có chuyện cấp sổ đỏ cho loại hình bất động sản như mọi người đang nghĩ.

Cũng theo luật sư Phượng, bất động sản du lịch phải có những đặc điểm khác với các loại bất động sản khác, được thể hiện bằng chế định pháp lý riêng. Là bất động sản du lịch hay thời hạn 50 năm hoặc 70 năm cũng được, nhưng với điều kiện là phải giao quyền sở hữu cho cư dân sử dụng trực tiếp, kể cả bán cho người nước ngoài. Nếu họ muốn cho thuê lại thì phải ký giao dịch thuê như nhà ở riêng lẻ, có như vậy mới bảo đảm sự minh bạch của thị trường.

Còn theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Giám đốc TAT Law Firm thì Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ là văn bản mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TN-MT cho sở TN-MT các tỉnh, thành phố liên quan đến chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, chứng nhân công trình xây dựng không phải là nhà ở (condotel).

Nội dung hướng dẫn thực hiện đều dựa trên tinh thần các quy định pháp luật trước đây như Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản. Đây không phải là văn bản quy định về tính chất pháp lý condotel hay nói cách khác là văn bản này không “cấp khai sinh” cho condotel.

 Phổ Anh

Nên đọc