Sáng 16/4, TCTK đã tổ chức cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý I/2021. Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Huy Minh, Phó Tổng cục trưởng TCTK cho biết, năm 2021, dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, TCTK đã tổ chức thu thập và tính toán các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm áp dụng
Khung khái niệm này có tên gọi chung là tiêu chuẩn ICLS 19 được ban hành để thay thế tiêu chuẩn ICLS 13, năm 1982. Tiêu chuẩn ICLS 19 ra đời thay thế tiêu chuẩn ICLS 13 trong bối cảnh tốc độ khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường hiện đại với tình trạng phụ thuộc vào các sản phẩm tự cung tự cấp hầu như không đáng kể.
Theo tiêu chuẩn mới ICLS 19, những người làm việc với mục đích sản xuất sản phẩm tự cung tự cấp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ không được xác định là những người có việc làm như quy định trước đây của tiêu chuẩn ICLS 13. Tiêu chuẩn ICLS 19 được khuyến nghị sử dụng chung trên toàn thế giới với mục tiêu đảm bảo tính so sánh giữa các nền kinh tế thị trường có trình độ phát triển khác nhau của tất cả các quốc gia.
“Từ quý I /2021, TCTK sẽ chính thức công bố các chỉ tiêu thống kê về lao động việc làm dựa theo tiêu chuẩn ICLS 19. Hơn nữa, để đánh giá đầy đủ sự biến động của thị trường lao động qua thời gian, TCTK sẽ đồng thời tính toán và công bố lại các chỉ tiêu thống kê lao động việc làm theo tiêu chuẩn ICLS 19 của các quý từ năm 2019 đến nay làm căn cứ so sánh. Các thông tin về người lao động làm công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng được ghi nhận và công bố trong báo cáo này…”- Ông Minh cho hay.
Theo bà Valentina Baccuci, Chuyên gia Kinh tế lao động, Tổng chứa Loa động Quốc tế tại Việt Nam Phó TGĐ ILO Việt Nan, Việt Nam là là 1 trong 10 quốc gia được ILO lựa chọn thí điểm.
Bà Valentina Baccuci cho biết, trong 2 năm 2019-2020, TCTK đã tiến hành thu thập dữ liệu theo tiêu chuẩn cũ và mới. Cùng với đó, tiếp tục công bố tiêu chuẩn mới; năng lực trong việc xây dựng và tổng hợp số liệu theo cách mới một cách hiệu quả. Văn phòng ILO cũng đã so sánh số liệu mà TCTK thu thập được với các nước trên thế giới. “Tôi rất vui mừng khi ILO đã đóng dấu công nhận chất lượng số liệu của TCTK. ILO sẽ tiếp tục đồng hành với TCTK trong việc triển khai tiêu chuẩn thống kê mới…”- bà Valentina Baccuci nói.
Theo bà Valentina Baccuci, tiêu chuẩn này đã được các quốc gia thống nhất sử dụng tại Hội nghị quốc tế về thống kê lao động việc làm lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10/2013 tại Geneva, Thụy Sĩ. TCTK đã thực hiện theo lộ trình, đến nay, cơ bản đã tương đối ổn về cách thức áp dụng khung tính lao động mới, khung hành động mới, đảm bảo theo đúng quy định và quốc tế.
Ông Tite Habiyakare, chuyên gia thống kê lao động, Văn phòng ILO Khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng đánh giá cao cách triển khai bộ thu thập dữ liệu mới của TCTK. Theo tiêu chuẩn mới, quan trọng là phải hiểu đúng khái niệm về việc làm, từng mục, chỉ tiêu theo từng quốc gia…
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lần đầu tiên công bố số liệu áp dụng theo bộ tiêu chuẩn khung khái niệm mới. Số liệu thống kê lao động và việc làm, kết quả đều được tính hết, tự sản tự tiêu là bao nhiêu, nhiều chỉ tiêu vĩ mô… không làm ảnh hưởng đến số liệu thống kê.
“Tuy nhiên với cách tính mới sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động; theo đó, có một số thay đổi đáng kể từ các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ người thiếu việc làm và năng suất lao động. Như vậy, nếu bám theo khung số liệu mới thì có một số ngành sẽ đánh giá rất khó. Tuy nhiên, TCTK sẽ linh hoạt theo khung khái niệm cũ và mới để có cơ sở tính toán, đánh giá một cách phù hợp với thực tiễn nhất”- Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Minh nhấn mạnh.
Theo TCTK hiện nước ta vẫn còn 3,5 triệu lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp với mục đích chủ yếu để bản thân và gia đình sử dụng. Khoảng 93,5% lao động tự sản tự tiêu không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và hơn một nửa trong số họ đang trong độ tuổi lao động.
“Đây là nguồn tiềm năng vô cùng phong phú có thể tận dụng để phát triển. Vì vậy, Nhà nước cần triển khai những chính sách dành riêng để thu hút đối tượng này tham gia thị trường lao động, một mặt góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội nói chung và một mặt giúp cải thiện đời sống của người lao động…”- Lãnh đạo TCTK kiến nghị…
Quý I/2021: 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19Thông tin tại cuộc họp báo, ông Phạm Hòai Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số, TCTK cho biết, sự sụt giảm của lực lượng lao động trong quý I là xu thế thường quan sát được trong nhiều năm kể cả những năm trước khi xảy ra đại dịch do tâm lý “tháng giêng là tháng ăn chơi” của nhiều lao động sau kiỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm thay đổi xu thế tăng thường thấy so với cùng kỳ các năm trước. Thông thường, theo đà tăng dân số, lực lượng lao động năm sau luôn tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lực lượng lao động quý I/ 2021 xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 200 nghìn người và thấp hơn cùng kỳ khi chưa có dịch (năm 2019) khoảng 600 nghìn người…”- Ông Nam phân tích.
Theo kết quả điều tra, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2021 là 51,0 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ quý I/2021 ước tính là 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,7 điểm phần trăm so với nam (75,3%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của khu vực thành thị là 66,7%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 69,9%...
Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19 cũng làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020. Trong quý I /2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, số lao động thiếu việc làm tăng đáng kể so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I/ 2021 là 971,4 nghìn người; tăng 143,2 nghìn người so với quý trước và tăng 78,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước…
“Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I /2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó nam giới chiếm 51,0% và số người trong độ tuổi từ 25 - 54 chiếm gần 2/3…” – Đại diện TCTK lưu ý.
Trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.