Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi họp ngày 11/12 về công bố các chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đáng lưu ý, cuộc họp có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, tài chính, luật cũng như đại diện các trường đại học lớn trên địa bàn thành phố.
Cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM: 19 đề xuất được đưa ra
Về tổng thể, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, ngay khi Quốc hội bấm nút thông qua, Văn phòng UBND TP.HCM đã xây dựng 19 đề xuất về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách Nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Trong đó có đề án các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; thí điểm tăng mức thuế đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; sử dụng nguồn thu từ cơ chế đặc thù; huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách tiền lương, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập… Xử lý những vấn đề trong 19 quy định này cần đặt chúng trong một mối quan hệ tổng thể, toàn diện.
Toàn cảnh buổi họp chiều 11/12 |
Thứ hai, thành phố đang nỗ lực tạo ra các cơ chế thúc đẩy TP.HCM phát triển. UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo, nhờ chuyên gia tính toán hoàn thiện môi trường đầu tư, hoàn thành các điều kiện trình ban thường vụ theo hướng công khai minh bạch. “Cuối tháng 12 này UBND thành phố sẽ công bố thành lập tổ liên ngành về đầu tư do tôi làm tổ trưởng, giám đốc các Sở là thành viên. UBND thành phố cũng đang xin ý kiến ban thường vụ về chính sách thu hồi đất đai để có hiệu quả hơn trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, TP.HCM đang nỗ lực để tạo môi trường phát triển thuận lợi theo hướng bền vững, nâng cao sự cạnh tranh” – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Về cơ chế tài chính ngân sách, thu nhập, UBND TP.HCM đề nghị mời các nhóm chuyên gia giúp thành phố hoàn thành. Vấn đề về phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đặc biệt là các tổ chức quản lý, thành phố đã giao sở nội vụ từ đầu năm 2017. Sắp tới sẽ có một nghị định để điều chỉnh Nghị quyết số 54 và 37, kết hợp gắn với việc cải cách hành chính.
Về đầu tư, đất đai, thời gian qua, UBND TP.HCM đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Liên quan đến việc cổ phần hóa mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp Nhà nước giao cho Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Đến ngày 15/1, tất cả các nhóm phải chuẩn bị xong đề cương báo cáo UBND thành phố.
Nhận định của các chuyên gia
Trong buổi họp, các chuyên gia hàng đầu về kinh tế, xã hội, tài chính, luật… đại diện các trường đại học lớn trên địa bàn TP.HCM đã có những ý kiến đóng góp để giúp thành phố hoàn thiện nội dung các chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bền vững.
Ông Vũ Thành Tự Anh (giảng viên Đại học Fulbright) cho rằng, khi xây dựng những đề án cần có một bức tranh tổng thể về đánh giá tác động. Không chỉ đánh giá thuần túy liên quan đến vấn đề nguồn thu mà phải đánh giá tác động liên quan đến doanh nghiệp, người dân, hay nói cách khác, đánh giá những tác động tổng thể về kinh tế – xã hội. Ông Tự Anh nêu ví dụ: “Đơn cử như việc thành phố muốn phát triển du lịch, song chúng ta đánh thuế vào rượu, bia, thuốc lá, những thứ tiêu thụ của du khách. Những cái đó chúng ta phải đánh giá rất kỹ nếu không chúng ta chỉ thu được một nguồn thu nhưng ở một số khu vực khác nguồn thu lại giảm đi”.
“Khi chúng ta đánh giá tác động, chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể, cần chỉ đạo cụ thể hơn nữa. Tức là, khi chúng ta nhìn vào các dự án thì thông thường liên quan đến thu và liên quan đến chi. Chẳng hạn, thu chúng ta có thuế, phí, cổ hóa; chi chúng ta chi cho tài chính, đầu tư, chi sự nghiệp. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào từng dự án cụ thể thì không thể có bức tranh tổng thể về thu chi được. Cần có một bức tranh hết sức đầy đủ về thu – chi để khi chúng ta nhấn nút khởi động một dự án nào đó thì sẽ có đầy đủ một bức tranh thu chi. Tôi nghĩ là ở thành phố thì sở tài chính phải có, ở mức quốc gia thì Bộ Tài chính phải có” – vị giảng viên nhấn mạnh.
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng: “Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết cho thành phố, bởi họ thấy rằng TP.HCM đang có quá nhiều thách thức. Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải ưu tiên hướng đến giải quyết các thách thức. Ví dụ thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là ngập nước và kẹt xe, là giao thông, là cơ sở hạ tầng thì chúng ta phải ưu tiên giải quyết những vấn đề này”.
Trong khi đó vị đại diện Đại học Luật TP.HCM nêu: “Đây là một cơ hội với TP.HCM, nhưng cũng là thách thức. Nếu chúng ta làm tốt thì TP.HCM sẽ là đầu tàu, điều mà người dân thành phố và cả nước mong đợi suốt thời gian qua. Quả là áp lực rất lớn. Đại học Luật TP.HCM sẵn sàng tham gia cùng địa phương, cử chuyên gia kết hợp cùng các cơ quan thực hiện thành công Nghị quyết 54”.
Bài và ảnh: Quang Linh