Kịp thời ngăn chặn việc trốn đóng, gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội
Theo đó, các Bộ, cơ quan có liên quan căn cứ quy định tại Nghị quyết số 09/2021/UBTVQH15 và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ.
Cụ thể, rà soát, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành triển khai thực hiện Nghị quyết.
Tổ chức triển khai thực hiện quy định tại Nghị quyết theo đúng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đúng quy định, hiệu quả, triệt để tiết kiệm gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm thuận lợi đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân; sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm bảo đảm sẵn sàng kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi chính sách; kịp thời ngăn chặn việc trốn đóng, gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự toán, quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.
Nghiên cứu, rà soát hoàn thiện các quy định về cơ chế quản lý tài chính BHXH
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024 trong quý I năm 2022, làm căn cứ để Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát hoàn thiện các quy định về cơ chế quản lý tài chính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hiện hành trên cơ sở báo cáo đánh giá và đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg ngàỵ 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg trong quý IV năm 2022;
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định, không trùng lắp với kế hoạch kiểm toán, thanh tra của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong quý IV năm 2022; xây dựng và ban hành giá dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong quý IV năm 2022; xây dựng, ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật và giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2023.
Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.