Ngày 30/10, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết tổng cục đã có quyết định lập đoàn kiểm tra, ngay trong ngày 31/10 sẽ đến Quảng Bình làm việc với Tập đoàn Trường Thịnh xung quanh nội dung báo nêu.
Như Người Tiêu Dùng đã thông tin, đường tránh TP.Đồng Hới là một trong những dự án BOT gây bức xúc dư luận thời gian qua. Hiện tuyến quốc lộ (QL) 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình có hai trạm thu phí công trình BOT là Quán Hàu và Tasco nhưng người dân đều phản ứng cả hai vì có những bất hợp lý về mức phí cùng với vị trí trạm. Theo đó, Trạm thu phí Quán Hàu nằm trên QL1 để làm nhiệm vụ thu phí cho dự án tuyến tránh Đồng Hới, đồng thời thu phí cho một con đường tránh lũ khiến phương tiện lưu thông theo hướng Bắc - Nam trên QL1, dù không hề đi 2 con đường này vẫn bị thu phí với giá cao (thấp nhất là 35.000 đồng).
Điều đáng nói là, dự án 1.700 tỷ này vừa đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị sụt lún cục bộ; mặt đường bị lún hằn bánh xe, bong tróc nham nhở tạo thành các ổ gà, taluy hai bên có đoạn bị lún sạt…
Đầu tư với mức giá cao (gần 1.700 tỷ đồng), thu phí cũng cao, nhưng cách vá đường khiến người đi đường bất ngờ: Một nhân viên dùng xe gắn máy lôi phía sau một thùng xe tự chế chở nhựa đường. Chỗ nào có ổ gà thì lấy vá xúc nhựa thảy vào rồi lái xe đi tiếp. Với cách làm này, đống nhựa vứt xuống đường “ùn” lên như ổ mối sẽ được các xe cộ đi ngang cán qua, xem như lu lèn mà không cần phải sửa cho đúng kỹ thuật.
Một điều hết sức kỳ lạ là, chỉ có con đường thu phí thì chất lượng kém, còn ra khỏi đường này, đường lập tức tốt hẳn lên, không ổ gà ổ voi và chạy xe rất êm.
Trước đó, tháng 6.2017, Tập đoàn Trường Thịnh và Hãng Wirtgen (CHLB Đức) đã chuyển giao thành công công nghệ cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa trị giá hơn 100 tỷ đồng, chuyên dùng để sửa đường. Với việc chuyển giao thành công công nghệ này, Tập đoàn Trường Thịnh được cho là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành GTVT làm chủ công nghệ thi công cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa. Theo nhà đầu tư, điểm mạnh của dây chuyền thi công cào bóc tái chế nguội mặt đường bê tông nhựa mà tập đoàn mới chuyển giao là sử dụng toàn bộ các thiết bị cơ giới hiện đại nhất hiện nay như: Máy cào bóc W50R, máy cào bóc tái sinh bê tông nhựa 3800 CR, lu bánh thép Hamm HD 120VO, Hamm HD 90VO, máy rải Vogele S1800-3i... để cào bóc và tái sinh bê tông nhựa mặt đường.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dây chuyền hiện đại này không được đưa vào sử dụng mà lại dặm vá kiểu đường làng dẫn đến việc Tổng cục Đường bộ phải lập đoàn kiểm tra.
Sau đây là những hình ảnh đường tránh TP.Đồng Hới xuống cấp được dặm vá cẩu thả:
PV
Nên đọc