Nhiên liệu "Chất lượng Châu Phi"
Trong báo cáo "Dầu bẩn", Public Eye cho biết, các Cty này đang lợi dụng sơ hở trong các tiêu chuẩn quy định của Châu Phi để sử dụng các chất phụ gia rẻ và bẩn tạo ra nhiên liệu "Chất lượng Châu Phi".
Nigeria, Senegal và Ghana là các nước Châu Phi được đề cập trong báo cáo. Báo cáo nêu tên các Cty Vitol, Trafigura, Addax & Oryx và Lynx Energy vì họ là cổ đông của các nhà bán lẻ nhiên liệu. Trafigura và Vitol phản bác báo cáo trên, cho biết các nhà bán lẻ đã tuân thủ pháp luật của các nước Châu Phi. 3 trong số các Cty được đề cập trong báo cáo cho biết họ đáp ứng các quy định của thị trường và không thu được lợi nhuận gì nếu giữ mức lưu huỳnh cao trong dầu.
Tuy nhiên, Public Eye cáo buộc các Cty hạ chất lượng của nhiên liệu chỉ ở trên giới hạn quy định của các nước Châu Phi một chút, nhằm tối đa hóa lợi nhuận bằng cách thêm vào dầu các sản phẩm độc hại.
Phó Giám đốc phụ trách vấn đề công cộng thuộc Sở Tài nguyên Dầu khí (DPR) Nigeria, Dorothy Bassey cho biết tình hình không có gì cấp bách bởi tất cả các sản phẩm xăng dầu đều được kiểm tra trước khi được đưa vào Nigeria. Theo bà Bassey, bất kỳ sản phẩm nào không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật được gửi trả lại. Phát ngôn viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC), ông Mohammed Garbadeen cũng cho biết, NNPC không cố tình nhập khẩu nhiên liệu độc hại.
Hạt lưu huỳnh trong khí thải động cơ diesel ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: BBC |
Quy định lỏng lẻo
Mặc dù lượng lưu huỳnh vẫn nằm trong giới hạn mà chính phủ các nước đưa ra, song theo các chuyên gia y tế, chất độc này chứa trong khí thải có thể gây mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản. Các hạt lưu huỳnh thải ra từ động cơ diesel được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng là một trong những nguy cơ sức khỏe hàng đầu thế giới. WHO cho rằng, ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Giảm lượng lưu huỳnh trong dầu diesel giúp giảm nguy cơ ô nhiễm không khí.
Một số nước Châu Phi cho phép động cơ diesel có hàm lượng lưu huỳnh hơn 2.000 hạt/lít khí thải (ppm), thậm chí hơn 5.000 ppm, trong khi tiêu chuẩn Châu Âu là dưới 10ppm. Ông Rob de Jong thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của các nước Châu Phi đã thiếu nhận thức về ý nghĩa của hàm lượng lưu huỳnh trong không khí. Trong một thời gian dài, các quốc gia này dựa vào các tiêu chuẩn thời thuộc địa, và chỉ mới sửa đổi trong những năm gần đây.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do các nhà máy lọc dầu Châu Phi không đủ trình độ kỹ thuật để giảm mức độ lưu huỳnh theo tiêu chuẩn Châu Âu. Điều này có nghĩa là, các tiêu chuẩn quy định sẽ được giữ ở mức các nhà máy lọc dầu có thể đạt được. Một số quốc gia cũng e rằng, dầu diesel sạch sẽ đắt hơn, đẩy giá vận chuyển tăng cao.
Theo An Bình (CAĐN)