Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia. Trong khoảng hai năm qua, sự phát triển của hiệp định này đã giúp quan hệ thương mại giữa hai nước có những bước tiến vững chắc.
Sau hơn 2 năm thực thi, những kết quả tích cực mà Hiệp định UKVFTA mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã được khẳng định rõ ràng. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Vương quốc Anh từ sau khi thực thi Hiệp định UKVFTA khởi sắc rõ nét. Tính đến ngày 20/10/2023, Vương quốc Anh có 550 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,28 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. |
Ở khía cạnh xuất nhập khẩu, năm 2021-một năm sau khi UKVFTA có hiệu lực, tăng trưởng từ hai chiều tăng rất mạnh. Đặc biệt, xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng trưởng 24%, xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh tăng 19%. Đáng chú ý, năm 2023, mặc dù xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn đều sụt giảm đáng kể nhưng xuất khẩu sang Anh vẫn tăng khoảng 1,9%, nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 3%.
Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu từ Anh vào Việt Nam bao gồm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu cho các ngành công nghiệp như da giày, dệt may cũng như các nguyên phụ liệu sản xuất khác. Nguyên liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các công ty Việt Nam tận dụng cơ hội để xuất khẩu trở lại Anh, từ đó thuận lợi hưởng những ưu đãi từ UKVFTA.
Đánh giá về tác động tích cực của Hiệp định UKVFTA đối với doanh nghiệp Anh tại Việt Nam kể từ khi triển khai từ tháng 5/2021, ông Bob Fletcher, Giám đốc Dịch vụ Hải quan và Thương mại Toàn cầu của Deloitte Vietnam cho rằng, Hiệp định đã giảm thuế quan đối với 99% hàng hóa có xuất xứ trong các giao dịch mua bán giữa Anh và Việt Nam, kéo dài đến năm 2027. Điều này đã tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Anh trên thị trường Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam. Bên cạnh đó, UKVFTA cũng đơn giản hóa thủ tục và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, giúp doanh nghiệp Anh dễ dàng thiết lập, đầu tư, và tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động đầu tư trực tiếp từ Anh vào Việt Nam vẫn tăng, đưa Anh lên vị trí thứ 15 trong tổng số 143 nước đầu tư vào Việt Nam”, ông Bob Fletcher cho biết.
Chất lượng là yếu tố then chốt vào thị trường
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường DACE đã chia sẻ về những ảnh hưởng tích cực của việc thực thi Hiệp định UKVFTA đối với xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Anh, đặc biệt sau thời kỳ Brexit.
Trước Brexit, khối lượng xuất khẩu của Công ty sang châu Âu và Anh đạt khoảng 30%, trong đó, Anh chiếm 10%. Sau Brexit, khối lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 2-3%. “Tuy nhiên, sau khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định UKVFTA, Công ty đã khôi phục xuất khẩu sang Anh, chiếm đến 9-10%”, ông Trần Văn Hiếu thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hiếu, thị trường Anh đặt nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Ngoài ra, họ quan tâm đến các yếu tố môi trường, lao động, và trách nhiệm xã hội. Do đó, để xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp phải lưu ý đến các chứng nhận như Fair for Life, Fairtrade và chứng nhận hữu cơ. Việc này thể hiện cam kết về chất lượng, môi trường, và trách nhiệm xã hội của công ty đối với thị trường Anh.
Ông Bob Fletcher cũng chia sẻ về lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng từ việc hợp tác chuyển giao công nghệ, quản lý chuỗi cung ứng và xây dựng thương hiệu với các doanh nghiệp Anh. Chẳng hạn như việc tiếp cận thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng mạng lưới và kiến thức chuyên môn về các thị trường quốc tế của doanh nghiệp Anh để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới, đa dạng hóa khách hàng và tăng cường doanh thu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, thông quan hợp tác với doanh nghiệp Anh, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tối ưu hóa quản lý chuỗi cung ứng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tăng tốc độ giao hàng, và quản lý hàng tồn kho hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Anh để cải thiện năng lực cạnh tranh và năng suất của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao uy tín và nhận thức thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế và trong nước.
Theo ông Trần Văn Hiếu, để thuận lợi xuất khẩu vào thị trường Anh, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng, những tiêu chuẩn về thị trường.
“Để bảo đảm sự thành công trên thị trường Anh, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm vững các tiêu chuẩn và quy định thị trường, đồng thời quan tâm đến các yếu tố như môi trường, trách nhiệm xã hội, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu khí thải carbon, tránh trường hợp rơi vào bẫy rủi ro ở trong tương lai”, ông Trần Văn Hiếu cho biết.