"Chân rết” nào nối gối theo lãnh đạo Alibaba?

(NTD) - Nguyễn Thái Luyện dùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm lừa đảo khách hàng trong suốt một thời gian khá dài kể từ ngày thành lập công ty. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Luyện không thể thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian rất dài và "một tay che trời" mà phải có những đồng phạm trợ giúp tích cực.

Ngày 18/9, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Alibaba (Alibaba) Nguyễn Thái Luyện và em trai là Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Alibaba bị bắt với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã làm xôn xao dư luận, cuối cùng công lý cũng đã được thực thi.

Nguyễn Thái Luyện và Alibaba đã chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng của 6.700 người thông qua các dự án ma

Có 6.700 người bị Alibaba chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng là một con số quá lớn so với tưởng tượng của nhiều người.

Alibaba tự xưng tập đoàn với hàng chục công ty thành viên. Hàng loạt công ty thành viên của Alibaba có cùng mô thức về quy mô vốn, cơ cấu cổ đông, ngành nghề và địa chỉ đăng ký kinh doanh. Theo đó, ít nhất 6 công ty được thành lập nửa cuối năm 2018 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập đều là cá nhân, dao động 3-7 người.

Tối 26/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực, em trai Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. Vì vậy, có thể thấy những doanh nghiệp “chân rết” của Alibaba hoạt động rất tích cực và “hiệu quả” đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Nguyễn Thái Luyện. Vì lẽ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp “chân rết” này không thể vô can.

Ngoài ra, Nguyễn Thái Luyện còn cho thành lập công ty luật mang tên “CTCP Luật Alibaba Lawfirm” do Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (đã bị bắt trong vụ án khác) làm Giám đốc và đại diện pháp luật. Công ty này có cùng trụ sở với Alibaba, chuyên phụ trách pháp lý và biên soạn hợp đồng ký kết với khách hàng cho các “dự án ma” của Alibaba. Đây là công ty tập hợp khá nhiều các luật sư/cử nhân luật, vì vậy các cá nhân này đều hiểu khá rõ về pháp lý của các “dự án ma” không thể giao dịch trên thị trường. Bên cạnh đó, các hợp đồng ký kết với khách hàng đều do Alibaba Lawfirm biên soạn. Trong vụ án này, khó nói rằng họ vô can!

Một số luật sư cho biết để đảm bảo thu hồi nguồn tiền do Alibaba chiếm đoạt cần thiết phải hủy các Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của các chủ đất đã bán cho người thân hay nhân viên thân tín của Nguyễn Thái Luyện. Buộc các chủ đất phải trả lại tiền vì nguồn tiền này do Nguyễn Thái Luyện thu lợi bất chính mà có. Mặc khác, các phần thưởng chi bằng tiền hay hiện vật mà Nguyễn Thái Luyện chi thưởng cho nhân viên phải được thu hồi lại, đảm bảo nguồn tiền thu hồi vốn cho khách hàng đầu tư. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện vì nhiều lý do khách quan.

Với thủ đoạn lừa đảo cực kỳ tinh vi của Nguyễn Thái Luyện, đa số các nhân viên của Alibaba đều trở thành nạn nhân của Nguyễn Thái Luyện. Họ đã đầu tư vào “dự án ma” mà Nguyễn Thái Luyện đã vẽ ra nên hầu hết đều ra sức bảo vệ Nguyễn Thái Luyện và các dự án mình đang bán, điển hình như vụ cưỡng chế “dự án ma” tại xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 13/6 vừa qua.

Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực

Tuy nhiên, hành vi lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện diễn ra trong một thời gian khá dài với số tiền chiếm đoạt rất lớn không thể không có sự giúp sức của các cá nhân, nhân viên Alibaba. Tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan điều tra sẽ xem xét và khởi tố các cá nhân có liên quan trong thời gian tới.

Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an TP.HCM xác nhận, đã gửi công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tiến hành phong tỏa tài khoản 16 cá nhân có liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Alibaba. Trong đó có cha, mẹ của Nguyễn Thái Luyện (ông Nguyễn Văn Huấn và bà Thái Thị Tú) và bà Huỳnh Thị Ngọc Như, Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại và Đào tạo Alibaba.

Động thái này của cơ quan cảnh sát điều tra nhằm xác minh những người thân cận của Nguyễn Thái Luyện đang đứng tên tài khoản tại ngân hàng, từ đó cơ quan điều tra sẽ tổng rà soát để tiến hành phong tỏa và thu hồi lại tài sản do vi phạm pháp luật mà có. Biện pháp này nhằm giúp ngăn chặn nhiều tài khoản ngân hàng kịp thời để tránh bị các đối tượng cố tình tẩu tán tài sản trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Nguyễn Thái Luyện cầm đầu.

ThS. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - T.L

Nên đọc