‘Ông vua phóng sự đất Bắc’
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Ông quê gốc ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng sinh sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cha ông làm thợ điện ở Hà Nội qua đời Vũ Trọng Phụng mới được tròn 7 tháng tuổi.
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, Vũ Trọng Phụng phải đi làm thêm kiếm sống khi vừa học hết tiểu học. Thời gian sau, ông xin vào làm thư ký cho nhà buôn Godart rồi cho nhà in Viễn Đông nhưng đều bị sa thải. Từ đó, ông chuyển sang viết văn, làm báo.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Vũ Trọng Phụng có được sự nghiệp văn học đồ sộ với 30 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa.
Năm 1930 - khi vừa tròn 18 tuổi, Vũ Trọng Phụng bắt đầu sự nghiệp văn chương với truyện ngắn đầu tay ’Chống nạng lên đường’ đăng trên tờ Ngọ Báo. Sau đó, ông bắt đầu viết một số truyện ngắn, nhưng không được nhiều bạn đọc đón nhận.
Năm 1931, ông viết vở kịch ’Không một tiếng vang’, cái tên Vũ Trọng Phụng đã bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả. Bốn năm sau, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay ’Dứt tình’ đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Vũ Trọng Phụng tiếp tục sáng tác nghệ thuật đến những ngày tháng cuối đời. Dù tuổi đời còn trẻ, sự nghiệp cầm bút ngắn ngủi nhưng những tác phẩm mà ông để lại là cả một ‘kho báu’ của văn học nước nhà. Cũng chính bởi vậy, ông được xem là "ông vua phóng sự đất Bắc". Trên từng trang viết, Vũ Trọng Phụng lên án gay gắt xã hội đương thời với sự nhố nhăng, lừa đảo, xu nịnh, nơi chứa đầy cám dỗ, xa hoa và trụy lạc.
Tác phẩm hay và tiếng vang để đời
Số Đỏ là một trong những tiểu thuyết văn học nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm này được đăng ở Hà Nội Báo từ số 40 ngày 7/10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật, câu nói trong tác phẩm để đời này đã đi vào cuộc sống đời thường. Tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành phim.
Không chỉ gây tiếng vang ở trong nước, Số Đỏ được xuất bản ở nhiều nước bao gồm Đức, Mỹ, Trung Quốc... Đây cũng là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam có nhiều bản dịch tiếng nước ngoài nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Năm 2002, bản dịch tiếng nước ngoài thành công nhất của Số Đỏ được phát hành tại Mỹ. Bản dịch có tên gọi Dumb Luck, là công sức của GS.TS Peter Zinoman và vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm. Năm 2003, tờ Los Angeles Times đã lựa chọn bản dịch này là một trong những cuốn sách hay nhất của năm. Tiểu thuyết của ‘ông vua phóng sự đất Bắc’ cũng được xếp vào danh mục tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam, được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường đại học trên đất Mỹ.
Năm 2021, bản Số Đỏ tiếng Trung Quốc do PGS Hạ Lộ (ĐH Bắc Kinh) dịch cũng được độc giả Trung Quốc đón nhận nhiệt tình. Trên Douban (ứng dụng mạng xã hội trò chuyện, kết bạn từ Trung Quốc), độc giả Trung Quốc chấm điểm 8.0/10 cùng rất nhiều nhận xét tích cực.
Nhiều độc giả Trung Quốc sau khi đọc xong Số Đỏ còn thốt lên rằng “Đây là kiệt tác”. Một độc giả để lại bình luận: "Giờ tôi đã hiểu vì sao người ta gọi Vũ Trọng Phụng là 'Balzac của Việt Nam'". (Honoré de Balzac là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực).
Năm 2022, Das große Los - bản tiếng Đức của Số Đỏ được ra mắt độc giả Đức. Người thực hiện bản dịch này là dịch giả Hoàng Đăng Lãnh và Rodion Ebbighausen. Dịch giả Rodion Ebbighausen từng nói rằng đặc tính hài hước, vấn đề gìn giữ truyền thống và cách tân khiến Số Đỏ có tính toàn cầu.