Để tạo ra 80 tỷ sản phẩm may mặc mỗi năm đòi hỏi phải tốn một lượng lớn nước và hóa chất độc hại. Trung bình trên thế giới, cứ 6 người thì có một người làm nghề may mặc trong điều kiện hết sức tồi tệ với đồng lương rẻ mạt. Ngành công nghiệp thời trang nhanh cũng tạo ra hàng núi quần áo không bán được hoặc bị loại bỏ và kết thúc ở bãi rác.
Dù không có giải pháp tối ưu nào cho những vấn đề về thiệt hại sinh thái, khai thác và chất thải, nhưng vẫn có một tia hy vọng cho tương lai đối với ngành công nghiệp này. Người tiêu dùng, nhà bán lẻ và các nhà cải cách đang nghiên cứu để đưa ra nhiều lựa chọn cho sự bền vững, chẳng hạn như mua quần áo cũ; thuê trang phục; tái chế quần áo thành sợi mới, có thể tái sử dụng; in 3D quần áo theo yêu cầu; chế tạo sinh học; sử dụng sợi hữu cơ và tự nhiên. Và đơn giản hơn là chỉ cần mua áo quần ít đi.
Trong tất cả loại quần áo bạn mặc thì có lẽ quần jean là kẻ phạm tội tồi tệ nhất đối với môi trường và con người. Trong đoạn trích từ cuốn sách bán chạy “Fashionopolis” của tác giả Dana Thomas, Thomas đã may mắn khám phá một số điều phổ biến nhất trên toàn thế giới về quần áo và chỉ ra một quy trình có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh tật có thể mắc phải trong quá trình sản xuất.
Khi đọc bài này bạn có thể đang mặc quần jean. Nếu bạn không mặc lúc này, rất có thể bạn đã mặc chúng ngày hôm qua. Hoặc bạn sẽ mặc vào ngày mai. Tại bất kỳ thời điểm nào, các nhà nhân chủng học tin rằng, một nửa dân số thế giới đang mặc quần jean. Hằng năm có tới 5 tỷ chiếc quần jean được sản xuất. Trung bình một người Mỹ sở hữu 7 chiếc quần jean - một ngày mặc một chiếc và mua 4 chiếc mới mỗi năm. “Tôi ước mình đã phát minh ra quần jean màu xanh. Chúng có biểu cảm, khiêm tốn, hấp dẫn giới tính, đơn giản và đây là tất cả những gì tôi mong muốn một bộ quần áo đáp ứng được” - nhà thám hiểm người Pháp Yves Saint Laurent thú nhận.
Ngoài những thứ cơ bản như đồ lót và vớ, thì quần jean là trang phục phổ biến nhất từ trước đến nay. Nơi sản xuất quần jean cho thị trường Mỹ là Bangladesh. Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng ngành công nghiệp này đã bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về sự an toàn lao động và các cuộc biểu tình giận dữ về tiền lương thấp. Bangladesh có chi phí lao động thấp nhất thế giới, với mức lương tối thiểu cho công nhân may được trả ở mức khoảng 37 USD một tháng.
Quần jean là xương sống của ngành sản xuất hàng dệt may của Mỹ, cho đến khi chúng được chuyển sang sản xuất tại các nước có chi phí rẻ hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc mang theo cả sự sáng tạo lẫn ô nhiễm đến với những nơi chúng ra đời.
Quần jean là hiện thân của tất cả những gì tốt, xấu và tồi tệ trong thời trang.
Công nhân tiếp xúc với hóa chất độc hại trong quy trình làm ra một chiếc quần jean. |
Doanh số tăng vọt
Denim (vải jean) vẫn là một ngành dệt bình thường, chưa nổi tiếng cho đến đầu những năm 1870, khi một thợ may tên là Jacob Davis đến từ Reno, Nevada, đem ý tưởng dập cúc đồng vào những mối may nối để giúp quần jean bền chắc hơn, đồng thời chủ động đề xuất hợp tác với thương nhân Levi Strauss, để giúp sản xuất hàng loạt thiết kế của ông ta. “Nếu Strauss trả khoản phí bằng sáng chế trị giá 68 USD, hai người có thể là đối tác kinh doanh” - Jacob Davis đề xuất. Ngày nay, Levi Strauss & Co. vẫn thiết kế và bán phần lớn quần jean. Đây là một trong những thương hiệu may mặc thành công nhất từ trước đến nay.
Và sự nổi tiếng của quần jean tăng lên đều đặn, cho đến khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu như GAP, Guess, Tommy Hilfiger vào thập niên 1970.
Với phong trào giải phóng phụ nữ và sự phổ biến của trang phục giản dị hơn, các nhà thiết kế thời trang của New York đã mơ ước thiết kế ra một thể loại thời trang mới: Quần jean cách điệu. “Quần jean là sexy. Chúng càng bó chặt càng được bán chạy” - Calvin Klein nói.
Để khẳng định quan điểm của mình, vào năm 1980, Klein đã chọn diễn viên kiêm người mẫu 15 tuổi Brooke Shields cho quảng cáo chiếc quần jean của hãng. Quảng cáo rất gợi tình, khiêu khích khiến các chi nhánh của ABC và CBS tại New York đã nhanh chóng cấm bán. Nhưng nó đã phát huy tác dụng: Klein đã bán được 400.000 quần mỗi tuần sau khi ra mắt quảng cáo và sau đó thì tăng lên 2 triệu quần mỗi tháng. Doanh số của jean tăng vọt lên mức cao kỷ lục: Hơn nửa tỷ quần được mua chỉ riêng trong năm 1981.
Kẻ thù của môi trường
Vào những năm 1970, quần jean cũng chỉ được làm bằng vải cứng, không co rút hoặc “không thể chỉnh sửa”. Để làm mềm chúng, cách duy nhất là bạn phải mặc chúng. Phải mất rất nhiều thời gian, ít nhất là 6 tháng mới có thể làm chiếc quần jean mềm mại và mặc thoải mái. Sau một vài năm, thậm chí hàng năm trời thì quần mới bị sờn, phai màu hoặc đầu gối sẽ bị rách. Lúc này chiếc quần jean của bạn mới phát huy tác dụng mang một vẻ đẹp khác ngầu ngầu, bụi bụi.
Để có thể tạo ra 1 chiếc quần jean sành điệu, bụi bụi mà không cần phải mất thời gian mặc, các nhà sản xuất đã sử dụng cách mài mòn quần jean. Việc mài mòn vải được tách thành một công đoạn và có sử dụng hóa chất. Những người công nhân làm việc trong khâu mài mòn sợi vải dễ bị nhiễm bụi silic, dẫn đến các bệnh về phổi, như ung thư phổi.
Cuộc đua marathon của các hãng thời trang trong việc tạo ra những chiếc quần jean sành điệu và thời thượng bây giờ được coi là một nỗi kinh hoàng đối với môi trường. Đôi khi, họ còn sử dụng axit, giấy nhám để mài mòn quần jean. Toàn bộ công đoạn này đã được đặt tên là khâu “hoàn thiện” và được tiến hành tại các xưởng wash (mài mòn, giặt), các cơ sở rộng lớn hiện đang xử lý hàng ngàn quần jean mỗi ngày.
Một số xưởng wash, đặc biệt là những nhà xưởng ở Los Angeles, trung tâm hoàn thiện quần jean của Mỹ, có tính kỹ thuật cao và tuân theo các tiêu chuẩn an toàn về môi trường nghiêm ngặt của công nhân. Tuy nhiên, không phải xưởng nào cũng có kỹ thuật cao và tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, chẳng hạn một số xưởng ở TP.HCM.
Giá lao động rẻ mạt
Việt Nam, nước có nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu nhưng đó chỉ là cách đây 15 năm về trước. Vào năm 2018, có khoảng 6.000 công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam, sử dụng 2,5 triệu lao động và chiếm khoảng 16% xuất khẩu của đất nước và hơn 30 tỷ USD doanh thu. Các chuyên gia tin rằng con số này sẽ nhảy vọt lên 50 tỷ USD vào năm 2020.
Năm 2012, doanh thu sản xuất quần jean tại Việt Nam là 600 triệu USD; đến năm 2021, dự kiến sẽ tăng gấp đôi.
Đa số các xưởng may quần jean được đặt tại các vùng ngoại ô của TP.HCM.
Tại một nhà máy giống như nhà kho đang hoạt động phía sau một cánh cổng kín, khoảng 200 thanh niên lao động trong điều kiện ánh sáng kém và nóng bức. Những cây quạt sắt khổng lồ quay cuồng cố gắng làm mát căn phòng nhưng dường như chỉ làm nhiệt độ tăng thêm.
Quần jean chưa qua khâu wash được chất đống trên bàn kim loại và trên các con ma-nơ-canh. Những chàng trai trẻ mặc áo phông, quần dài thường là quần jean và mang bốt đến đầu gối ôm những đống quần jean nhét vào hai tá máy giặt cỡ quái vật. Sàn nhà ngập một màu nước xanh cao cả tấc. Những công nhân không đeo găng tay và tay họ bị vấy đen thuốc nhuộm.
Máy wash thì cũ kỹ cần rất nhiều nước chỉ để wash 3 cái quần. Các nhà sản xuất cho biết điều này quá lãng phí.
“Công việc của họ là chỉ giặt giũ, không phải lo lắng về hành tinh này” - một chuyên gia về quần jean nói.
Trong xưởng wash, nam nữ thanh niên đang chà nhám đầu gối và đùi của chiếc quần jean, giống như một người thợ mộc đang bào gỗ. Một số đeo khẩu trang y tế để tránh hít phải bụi vải, nhưng hầu hết là không mang.
Tất cả đều làm miệt mài, không ai cất tiếng nói câu nào, chỉ để kiếm được đồng lương ít ỏi. Họ làm đến kiệt sức, trung bình một người đánh bóng được ít nhất 400 chiếc quần jean mỗi ngày. Họ làm 6 ngày một tuần, chưa kể làm thêm giờ.
Và đó mới là những người lao động bằng tay. Những công nhân đứng máy thậm chí còn làm việc nhanh hơn, nhiều hơn. Một nữ công nhân tiết lộ, cô phải cắt một chiếc quần short jean bằng một cái máy phát ra tiếng ồn rất lớn có thể làm vỡ một cái ly thủy tinh. Cô ráp quần và may các túi trước và sau chỉ trong 10 giây, 6 quần một phút và phải ngồi suốt cả ngày dài.
Tất cả điều này cũng chưa là gì nếu so sánh với các xưởng wash của thành phố Quảng Châu (Xintang) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Thành phố này tự nhận là “thủ đô quần jean của thế giới”. Mỗi năm, 200.000 công nhân may mặc tại 3.000 nhà máy và xưởng sản xuất của Xintang sản xuất 300 triệu quần jean, 800.000 quần mỗi ngày. Các nhà máy này đổ chất thải nhuộm trực tiếp xuống sông Đông, một nhánh của sông Pearl khiến con sông này trở nên mờ đục; thủy sinh không thể sống sót. Tổ chức Greenpeace đã báo cáo rằng lòng sông chứa hàm lượng chì, đồng và cadmium cao. Đường phố Xintang phủ đầy màu xanh. Và nhiều công nhân may mặc đã bị phát ban da, vô sinh và nhiễm trùng phổi.
Quần jean là hiện thân của tất cả những gì tốt, xấu và tồi tệ trong thời trang. |
Quy trình thân thiện với môi trường
“Quần jean rách, hay wash tiếp tục chiếm lĩnh thị trường toàn cầu và là nguyên nhân gây ra thảm họa sinh thái và sức khỏe. Vậy ai, điều gì có thể được thực hiện để bảo vệ môi trường và con người? Chắc chắn, trong thế giới tiến bộ công nghệ của chúng ta, phải có một cách để xua đuổi những điều kinh hoàng mà tôi thấy trong nhà xưởng đầy mồ hôi ở TP.HCM” - nhà báo Dana Thomas viết trong cuốn “Fashionopolis”.
Chuyên gia tư vấn ngành công nghiệp denim (vải jean), ông Jose Vidal và cháu trai Enrique Silla, có công ty đặt tại Valencia, Tây Ban Nha, đã bắt đầu phát triển một quy trình ba bước sạch hơn, an toàn hơn gọi là Jeanologia: Laser, thay thế cho việc phun cát, chà nhám bằng tay và hóa chất tẩy trắng kali (PP); ozone, làm phai màu vải mà không cần hóa chất; và e-Flow, một hệ thống rửa sử dụng hạt “nanobubble” siêu nhỏ và cắt giảm 90% lượng nước sử dụng.
Theo quy trình truyền thống, hoàn thiện một chiếc quần jean cần trung bình 18 gallon nước, 1,5 kilowatt năng lượng và 5 ounces hóa chất. Tổng cộng, mỗi năm, phải mất tương đương với 92 triệu gallon nước, 7,5 tỷ kilowatt năng lượng (đủ để cung cấp năng lượng cho thành phố Munich trong một năm) và 750.000 tấn hóa chất.
Hệ thống Jeanologia có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng xuống 33%, hóa chất xuống 67% và nếu được triển khai hiệu quả nhất, việc sử dụng nước bằng 71%, hoặc, như công ty tự hào, chỉ tốn một ly nước cho một quần jean.
Silla dẫn nhà báo Thomas đến phòng thí nghiệm để xem hệ thống hoạt động. Trong phòng laser, trong 10 hoặc 11 giây, chiếc quần jean đã bị phai màu và được điều chỉnh để vừa khít vóc dáng của cô trong nháy mắt.
Tiếp theo, một chiếc máy sấy sử dụng ozone để làm phai màu quần jean chỉ mất 20 phút, bằng “phơi quần áo dưới ánh mặt trời trong một tháng” - Silla giải thích.
Cuối cùng, chúng tôi ghé thăm phòng wash, nơi máy e-Flow giặt quần jean bằng các bong bóng siêu nhỏ (nanobubble). “Nanobubble làm mềm, pha màu và wash, tất cả cùng một lúc” - Silla nói. Không có xử lý nước sau đó và nước được sử dụng có thể được tái chế trong 30 ngày. “Chúng tôi chưa thử nghiệm giai đoạn không dùng nước” - ông nói. “Nhưng chúng tôi đang nghiên cứu”.
Khi ở TP.HCM, nhà báo Thomas đã đi thăm một xưởng giặt quần jean được trang bị hệ thống Jeanologia để xem quy trình ở quy mô thương mại. Chủ nhà xưởng nói với cô, Jeanologia đã “hoàn toàn biến đổi quy trình sản xuất”.
Nhà máy đã xử lý một lượng quần jean khổng lồ mà không có tiếng rít của máy đánh bóng, không có công nhân, nhiệt độ ngột ngạt hoặc căng thẳng.
Khi tôi hỏi về việc công nhân mất việc, hướng dẫn viên của nhà báo Thomas thừa nhận rằng “cuối cùng mọi thứ sẽ là robot.” Nhưng thay vì sa thải, nhà máy này lại đào tạo công nhân sử dụng “máy móc tinh vi hơn hoặc để quản lý”, hướng dẫn viên nói. Và trở lại ở Valencia, sau một khóa học kéo dài 4 tháng để dạy cho các công nhân cách chạy các máy khắc laser, các “chuyên gia thiết kế laser” mới được gửi đi khắp thế giới.
Với tất cả những điểm cộng trên, nhưng Jeanologia đã có một thời gian khó khăn để xâm nhập vào thị trường hoàn thiện quần jean. Tuy nhiên, những ai dám thay đổi cuộc chơi đều có thể chiến thắng các thương hiệu thời trang như là: Gap, H&M, Zara, Uniqlo, PVH, VF Corp và Levi’s.
“Nếu chúng ta thay đổi cách sản xuất, điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn” - ông nói.
Lê Phan