Carlos Ghosn: Từ ông vua trở thành “bóng ma” của ngành công nghiệp xe hơi thế giới

(NTD) - Vị doanh nhân quốc tịch Pháp này đã xây nên đế chế sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới với gần nửa triệu nhân công ở gần 200 nước trên thế giới. Sự sụp đổ của Ghosn gây hệ lụy lớn cho ngành công nghiệp xe hơi thế giới và cả quan hệ song phương Pháp - Nhật...

Carlos Ghosn bị bắt ngay khi vừa đáp máy bay riêng xuống thủ đô Tokyo hôm 19/11/2018. Các công tố viên Nhật Bản cáo buộc Ghosn khai gian thuế thu nhập, thao túng hồ sơ tài chính và vi phạm các điều lệ niêm yết thị trường chứng khoán. Trong khoảng thời gian 2011-2015, Ghosn báo cáo thu nhập thấp hơn lương thực lĩnh khoảng 44 triệu USD.

Xây dựng đế chế từ đống hoang toàn

Sinh ra trong một gia đình gốc Lebanon ở Brazil, vị doanh nhân 64 tuổi đã lèo lái liên minh tay ba - gồm hãng xe Renault của Pháp và hai hãng Nissan và Mitsubishi của Nhật Bản - đạt thành công trong gần hai thập niên qua. Các “truyền thuyết” cắt giảm chi phí của Ghosn đã góp phần vực dậy Nissan trên bờ vực phá sản năm 1999. Báo chí Nhật Bản lúc đó đã từng xôn xao đặt câu hỏi làm thế nào một người nước ngoài ở tuổi 45 - độ tuổi được xem là “trẻ” trong giới doanh nghiệp xứ sở samurai - có thể kéo Nissan khỏi hố sâu nợ lên đến 40 tỷ USD.

Việc Nissan bắt đầu kiếm được lợi nhuận làm danh tiếng Ghosn nổi như cồn trong giới doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2005, Ghosn trở thành CEO của Renault và luôn theo đuổi ý tưởng phát triển động cơ và gầm xe chung cho cả Renault và Nissan. Năm 2016, Ghosn đưa Mitsubishi vào mái nhà chung và giúp hãng xe này thoát khỏi bê bối làm giả hồ sơ về lượng khí thải.

Liên minh tay ba Renault - Nissan - Mitsubishi đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp xe lớn nhất thế giới với lượng xe bán ra dự báo đạt 14 triệu chiếc trong năm 2022, tăng 40% so với hiện tại. Thành tích điều hành của Ghosn luôn làm người khác tin rằng mọi chuyện trong liên minh đều màu hồng, ngay cả khi mọi chuyện không hoàn toàn tốt đẹp.

Cách đây 18 tháng, khi trở thành CEO của Nissan, ông Hiroto Saikawa đã tuyên bố với báo chí rằng “sẽ loại bỏ các yếu tố tiêu cực của triều đại lâu đời” do Ghosn xây dựng và chống lại “việc tập trung quyền lực vào chỉ một cá nhân”. Nissan đã tiến hành thanh tra nội bộ và hợp tác với ngành tư pháp để bảo đảm hai nguồn tin tay trong được giảm nhẹ hình phạt khi phanh phui bí mật của Ghosn.

(Đồ họa: NAR / Báo Người Tiêu Dùng).

Số phận của Ghosn và liên minh tay ba

Nissan và Mitsubishi lên tiếng bãi nhiệm chức chủ tịch của Ghosn ngay sau ông bị bắt giữ. Renault vẫn chưa chính thức bãi nhiệm chức chủ tịch kiêm CEO của Ghosn bởi chính phủ Pháp - vốn là cổ đông lớn nhất với 15,01% cổ phần - đang muốn một vụ xử công bằng và đầy đủ chứng cứ từ Tokyo. Khi nào Tokyo sẽ thả Ghosn để “vị vua” ngành xe hơi bị dẫn độ hay trục xuất về Paris vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhưng tìm cho được người thay thế kiến trúc sư và linh hồn của liên minh như Carlos Ghosn không là chuyện đơn giản: Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, tràn đầy năng lượng và khả năng dể làm mới Renault, cứu Nissan, cải mệnh Mitsubishi nhưng đồng thời bảo đảm bộ ba hòa nhịp với nhau!

Sau khủng hoảng Ghosn sẽ là cuộc đối đầu của cổ đông tại Pháp và Nhật Bản. Cổ đông của Renault và Nissan chắc chắn sẽ phản đối vị chủ tịch hay CEO mới là người nước ngoài. Các nhà lãnh đạo Mitsubishi, vốn yếu nhất trong liên minh tay ba, có thể chấp thuận “ai cũng được”, nhưng sự có mặt của họ trong phòng họp không đồng nghĩa đàm phán sẽ dễ dàng hơn. Và khả năng khác: Chuyện “tan đàn sẻ nghé” có thể xảy ra bởi cả ba, đặc biệt là Mitsubishi muốn tìm kiếm đối tác mới.

Carlos Ghosn thành công trong việc lập ra liên minh sản xuất xe lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).

Bài học từ Japan Inc - thế giới quản trị Nhật Bản

Đầu tiên là bài học về lòng trung thực.

Người Nhật vốn nổi tiếng trung thực cảm thấy xấu hổ với những bê bối thế này. William Pesek - một phóng viên nước ngoài sinh sống lâu năm ở Nhật Bản - viết rằng: “Nissan nằm trong hàng ngũ gian lận dữ liệu khí thải trong năm nay, tương tự như Mitsubishi vào năm 2016. Trong danh sách các lô xe trên tàu chuẩn bị rời cảng bị phốt như Nissan là những cái tên Mazda, Suzuki, Yamaha và Subaru”.

Việc giả dối lương bổng của Carlos Ghosn và để ông vô tư sử dụng công quỹ cũng buộc người ngoài đặt câu hỏi về năng lực giám sát của dàn cố vấn Nissan và Công ty Kiểm toán Ernst & Young ShinNihon.

Kế đến là chuyện lương bổng và đãi ngộ xứng đáng. Một CEO Nhật Bản trung bình chỉ kiếm được dưới 1 triệu USD mỗi năm so với con số 10 triệu của Hoa Kỳ. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, chỉ 20% gói lương ở Nhật Bản có kèm theo các ưu đãi dài hạn khác, so với 30% ở Đức và 70% ở Hoa Kỳ.

Theo các số liệu từ hồ sơ nộp lên thị trường chứng khoán, Ghosn kiếm được 735 triệu yen (6,52 triệu USD) từ Nissan, 227 triệu yen (gần 2 triệu USD) từ Mitsubishi và 7,4 triệu euro (8,5 triệu USD) từ Renault trong năm 2017. Như vậy, mức thu nhập của Ghosn khoảng 17 triệu USD, vượt xa mức lương năm của CEO Hoa Kỳ.

Ghosn có thể cảm thấy mức lương ông nhận là tầm thường bởi ông có tới ba chức danh. Hơn nữa, chính phủ Pháp cũng ép Renault cắt bớt tiền lương của Ghosn vì các lý do chính trị.

Từ ông vua của một đế chế hùng mạnh nhất, Carlos Ghosn đã trở thành bóng ma vì các giá trị hay bài học đã bị mai một!

Ricky Hồ - Thế Anh

 

 

Nên đọc