Ký giáp ranh đất là việc người sử dụng đất ký xác nhận ranh, mốc giới và ghi ý kiến của mình về ranh giới đất liền kề của họ.
Làm sổ đỏ có cần ký giáp ranh hay không
Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Bước 4: Trả kết quả.
Trong các bước trên thì bước 3 nhiều công việc cần thực hiện nhất. Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau: Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, sự phù hợp với quy hoạch (1).
Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện công việc tại mục (1), UBND xã, phường, thị trấn phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất nộp (nếu có).
Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, tình trạng tranh chấp, xác nhận hiện trạng, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày.
Xem xét giải quyết ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp, nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện những công việc sau: Nếu hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến UBND xã, phường, thị trấn để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả như nội dung mà UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định trên.
Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có).
Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận vào đơn đăng ký. Cập nhật thông tin thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).
Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu tiền, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ. Chuẩn bị hồ sơ để trình ký cấp giấy chứng nhận và trao giấy chứng nhận, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Như vậy, hàng xóm ký giáp ranh không phải là thủ tục riêng khi cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc ký giáp ranh là cách phổ biến và dễ nhất để xác định có hay không có tranh chấp với người sử dụng đất liền kề (trên thực tế đều ký giáp ranh).
Hàng xóm không ký giáp ranh vẫn được nộp hồ sơ cấp sổ đỏ
Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định những trường hợp từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận, trong đó nêu rõ:
Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Như vậy, không có quy định từ chối tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận vì lý do hàng xóm không ký giáp ranh.