Cảnh giác trước những trang web lạ khi giao dịch điện tử

(NTD) - “Người tiêu dùng nên cảnh giác trước những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh... Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng, hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin của người tiêu dùng”.

Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) - Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) Bộ Công thương vừa đưa ra khuyến cáo như trên đối với người tiêu dùng khi tiến hành giao dịch điện tử.

Những khuyến cáo khi mua hàng trực tuyến

Theo đó, người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình. Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng để mua sản phẩm của công ty, kèm theo yêu cầu người tiêu dùng phải chi một khoản tiền. Thực tế khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cũng cần cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng mà người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…). Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web (Term & Conditions), đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…

Mua sắm trực tuyến. (Ảnh minh họa).

Những điều cần lưu ý

Phòng BVQLNTD lưu ý, hình thức mua sắm trực tuyến qua giao dịch thương mại điện tử tuy mang đến nhiều tiện ích cho người tiêu dùng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đây không phải là hình thức mua sắm trực tiếp nên người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng sản phẩm. Vì thế, rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo. Ngoài ra, thông qua phương thức mua sắm này người tiêu dùng không thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Vì vậy, khi gặp người bán không có uy tín, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo

Cục QLCT đưa ra những cảnh báo rủi ro từ các tổ chức, cá nhân lừa đảo: Trong hoạt động thương mại điện tử, người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi rõ ràng nhất là khi giao dịch với các tổ chức, cá nhân có chủ đích lừa đảo, đặc biệt là qua mạng xã hội như facebook, zalo… Người tiêu dùng chỉ liên lạc qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội. Khi trả tiền xong, người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc nhận hàng hoàn toàn khác với quảng cáo (ví dụ: Mua điện thoại nhưng nhận được hộp đựng một viên gạch…). Sau khi bán hàng, những người bán gian dối lập tức chặn điện thoại, facebook của người mua… Thậm chí khi lượng người tiêu dùng khiếu nại lớn hoặc cơ quan quản lý vào cuộc, người bán lập tức bỏ số điện thoại, tài khoản facebook…

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong thương mại điện tử, người tiêu dùng cần liên lạc với các Sở Công thương, hoặc Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng qua Tổng đài 1800.6838.

 Anh Trinh

 
Nên đọc