Vào ngày 4/2, hãng bảo mật Kaspersky đã đưa ra thông báo về việc các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu liên quan đến chủng mới của virus Corona. Chuyên gia phân tích mã độc Anton Ivanov của hãng cho biết: “Virus Corona hiện đang là chủ đề đang rất được quan tâm, do đó, đã trở thành “mồi” cho tội phạm mạng. Cho đến nay, hãng bảo mật Kaspersky đã phát hiện 10 tệp mã độc máy tính có liên quan đến virus Corona".
Các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tệp dữ liệu định dạng “pdf”, “mp4”, hoặc “docx” có chứa thông tin về virus Corona. Tên của tệp thường thể hiện nội dung liên quan đến hướng dẫn cách bảo vệ mọi người khỏi virus, cập nhật về các mối nguy hại và thậm chí là quy trình phát hiện virus Corona chủng mới. Các tệp này chứa một loạt các mã độc khả năng tự nhân bản, từ đó chúng phá hủy, chặn, sửa đổi, sao chép dữ liệu, thậm chí can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng.
Mã độc trong các tập tin về Corona có thể sẽ lan truyền chóng mặt nếu người dùng không cẩn trọng (Ảnh: Reuters) |
Trước đó, Nhật Bản cũng đã xảy ra tình trạng vô số e-mail giả mạo thông báo chính thức từ các tổ chức y tế, đính kèm tập tin có nội dung hướng dẫn chi tiết cách phòng tránh lây nhiễm virus corona được phát tán. Các tập tin này được ngụy trang dưới dạng tài liệu Microsoft Word nên rất khó phát hiện. Chúng đều chứa mã độc Emotet có khả năng thu thập thông tin cá nhân, lịch sử duyệt web và dữ liệu nhạy cảm.
Một chuyên gia Công ty An ninh mạng Việt Nam (VSEC) trả lời trong trao đổi với ICTnews ngày 5/2/2020 cho hay, hiện tại VSEC có ghi nhận nhiều nguồn tin giả mạo về virus Corona song chưa ghi nhận trường hợp bị nhiễm mã độc qua những thông tin này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật tình hình sớm nhất”, chuyên gia VSEC chia sẻ.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng cách để không trở thành nạn nhân của tin tặc như sau:
- Không truy cập các liên kết không bình thường với nội dung hứa hẹn mang đến những thông tin độc quyền. Đặc biệt là các liên kết được lan truyền tại các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.
- Không nhấp vào các liên kết trong các email lạ.
- Tham khảo các nguồn tin chính thức, chính thống, đáng tin cậy của Bộ Y tế, Chính phủ;
- Khi nhận được tập tin đính kèm cần chú ý phần mở rộng của tập tin tải xuống, cẩn thận với những tài liệu và tệp video có định dạng “.exe” hoặc “.lnk”;
- Ngoài ra, người dùng nên chủ động trang bị những giải pháp bảo mật, phần mềm diệt virus để tránh những mối đe dọa từ mã độc, nâng cao khả năng bảo vệ hệ thống thông tin trên mạng.
"Tin tặc dùng virus corona như mồi nhử, dụ người dùng tải xuống các tập tin độc hại. Vì phương thức này thường xuyên được sử dụng với các chủ đề truyền thông phổ biến nên chúng tôi tin rằng số lượng các cuộc tấn công sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới", ông Anton Ivanov cảnh báo.
Hoài Viễn