Cảnh báo hàng giả lên ngôi dịp Tết

( NTD ) - Đến hẹn lại lên, khi dịp Tết Nguyên đán đang tới gần thì nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân càng tăng cao. Cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái "lộng hành" trên thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp.

Ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (VATAP) tại Hội thảo Cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trong dịp tết do VATAP tổ chức tại TP. HCM ngày 23.12.2014 cho biết : "Theo thông tin từ Tổ chức Hải quan thế giới, tổng giao dịch hàng giả trên thị trường thế giới năm 2010 lên đến 37.000 tỉ USD. Nhiều tổ chức sở hữu trí tuệ đánh giá “tội phạm lớn nhất của thế kỷ 21 là tội phạm làm hàng giả”.

                                    Cảnh báo hàng giả vẫn tràn vào thị trường nội địa. Ảnh internet

Thông báo từ Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, có tới 70% hàng giả được tuồn từ nước ngoài vào Việt Nam. Lực lượng chức năng hiện khó có thể kiểm soát được nguồn cung hàng giả vào thị trường, các loại hàng giả hàng ngày vẫn được cung ứng không hạn chế về số lượng, đi sâu vào nội địa và bày bán công khai tại các trọng điểm thương nghiệp, các chợ biên thuỳ, thậm chí, bày bán công khai tại các tuyến phố trung tâm trên địa bàn đô thị.

Hiện nay, hàng giả – hàng nhái xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng từ đồ ăn, thức uống, vật liệu xây dựng…đến cả các sản phẩm thương hiệu thời trang, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm… Trong đó rượu và nước uống có cồn là hai trong những mặt hàng bị làm giả, làm nhái rất lớn trong dịp tết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Cục quản lý thị trường, cứ ra quân là lực lượng chức năng lại phát hiện được hàng giả, hàng nhái. Chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường thì trong 11 tháng năm 2014, lực lượng này đã rà trên 160.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 87.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 346 tỷ đồng. Lí giải cho việc hàng giả, hàng nhái tiếp tục tràn vào thị trường nội địa, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các biện pháp phòng chống buôn lậu, ăn gian thương mại còn chưa đẩy đủ, chưa đồng bộ, sự kết hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thật chặt. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong lực lượng Quản lý thị trường chưa cao, khiến cho tình trạng buôn lậu và ăn lận thương mại vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến phát triển hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa. 

Chia sẻ về những ảnh hưởng của hàng giả, hàng nhái, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội quản lý thị tường số 14 – Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, hàng giả, hàng nhái thường có chất lượng không đảm bảo. Trong đó, các sản phẩm bị làm giả thường có độ bền kém, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Riêng đối với các doanh nghiệp, tình trạng hàng giả tràn lan cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh sản xuất, môi trường kinh dinh sản xuất sẽ thiếu lành mạnh, và nhiều hệ lụy không tốt cũng có thể xảy ra. Vậy nên trong công tác ngăn chặn, hàng giả, hàng kém chất lượng, cần có sự sát xao, chặt chẽ và tích cực của các cấp, các ngành cũng như sự hiểu biết của người tiêu dùng.  

 Người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt hàng thật, hàng giả, tránh hậu quả đáng tiếc. Ảnh internet

Tại Hà Nội vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng..

Trong vấn đề tiêu dùng, lựa chọn hàng hóa, người dân nên có những hiểu biết cụ thể, tránh việc sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Mọi thông tin thêm mời các bạn xem tại mục Cảnh báo.

                                                                                                                        

                                                                                                                          Điệp Anh Đào (TH) 

Nên đọc