Cẩn trọng khi cho trẻ em sử dụng miếng dán chống say xe

(NTD) - Không những không phát huy tác dụng, cho trẻ em sử dụng miếng dán chống say tàu xe sai quy định hoặc kém chất lượng còn gây ra những hệ lụy rối loạn tri giác, hôn mê.

Miếng dán chống say tàu xe chỉ dùng cho trẻ trên 12 tuổi.

Cuối tháng 7, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi tên L.T.B.T (8 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) trong tình trạng lơ mơ kèm la hét. Qua xác minh của các bác sĩ bệnh viện, đây là trường hợp bệnh nhi bị rối loạn tri giác vì sử dụng miếng dán chống ói, chống say tàu xe.

Trước đó, gia đình bé T. đã sử dụng các miếng dán chống say tàu xe liên tục trong chuyến du lịch hè vừa qua. Kể từ khi về nhà, bé bắt đầu có các biểu hiện mất nhận thức, có dấu hiệu rối loạn tri giác. Rất may, sau 3 ngày điều trị thì bệnh nhân đã phục hồi.

Chia sẻ của các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1, trường hợp của bé T. không phải là trường hợp đầu tiên bởi trước đó khoảng 3 tuần thì bệnh viện này cũng đã tiếp nhận một trường hợp tương tự.

Trung bình mỗi năm, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 ca cấp cứu do lạm dụng miếng dán chống say tàu xe và xảy ra chủ yếu vào dịp hè khi các gia đình cho con cái đi du lịch trong dịp nghỉ.

Nguyên nhân dẫn đến việc biến chứng khi sử dụng các miếng dán chống say tàu xe là các bậc phụ huynh không đọc kỹ các quy định chống chỉ định. Bởi, các miếng dán này chỉ sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi nhưng khi bán hàng các nhân viên tại các hiệu thuốc cũng không khuyến cáo, hướng dẫn kỹ lưỡng. Trong khi đó, miếng dán chống say tàu xe được bán khá phổ biến và phục vụ người dân dựa theo nhu cầu, nên kiểm soát việc sử dụng cũng rất khó khăn.

Việc sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi hoặc quá nhiều (đối với người lớn) có thể gây ra các hiện tượng chóng mặt, mất phương hướng, hoảng loạn, gặp ác mộng, tim đập nhanh, nói sảng. Trường hợp nặng hơn là hôn mê, ngưng thở.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bậc phụ huynh cần áp dụng các biện pháp dân gian trước khi sử dụng các loại thuốc, miếng dán khi bị say tàu xe. Chẳng hạn, hạn chế cho trẻ ăn no trước khi lên xe và tránh xa các vị trí có gió lùa khi ngồi trên xe.

Thuận Phong

Nên đọc