Cần thúc đẩy hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Đó là phát biểu của GS.TSKH.Nguyễn Thiện Phúc – Phó chủ tịch Vinastas trong bối cảnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ chính trị phát động ngày càng lan tỏa trên mọi miền đất nước và ở khắp nơi đều được nhân đân nhiệt tình hưởng ứng.

Trong việc triển khai cuộc vận động đó, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng Viêt nam cùng các hội thành viên ở 46 địa phương trên toàn quốc ngày càng có vai trò nòng cốt của phong trào. Các hình thức hoạt động như tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình của trung ương và của các tỉnh thành, phối hợp tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm hàng Việt, thu hút hàng vạn lượt người tham dự. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ thương mại đã tích cực tham gia các hoạt động này, nhưng còn ít các công ty sản xuất hàng hóa chủ động triển khai cuộc vận động đầy ý nghĩa đó.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của phong trào, trong giai đoạn tới cần quán triệt đầy đủ ý nghĩa sâu xa của cuộc vận động lớn này để tăng cường chiều sâu của các hình thức hoạt động. Cuộc vận động không phải chỉ để thể hiện lòng yêu nước, mà quan trọng hơn nhiều là để kích cầu cho các ngành sản xuất hàng hóa của nước nhà, trong xu thế mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu thế toàn cầu hóa. Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực trong cộng đồng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tới những thời điểm mà tất cả hàng rào thuế quan liên quan đến thương mại sẽ giảm đi ở mức rất thấp. Lúc đó hàng hóa nói chung và sản phẩm công nghiệp nói riêng phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt. Chúng ta sẵn sàng tham gia cuộc cạnh tranh toàn cầu, nhưng không thể để mất thị trường nội địa của chính mình. Trong bối cảnh đó, cuộc vận động càng có ý nghĩa sâu sắc, nó không những cần thu hút người tiêu dùng, những người mua hàng hóa, mà cần hướng đến các nhà sản xuất ra các hàng hóa.

Cần phải khai thác tiệt để ý tưởng “có cạnh tranh mới phát triển”. Cạnh tranh là phải làm sao có sản phẩm vượt lên trên đối tác. Điều đó không phải là đễ, nhưng nếu không vượt được thì cũng phải “làm khác đi”, ít ra là để có cái mà trao đổi. Không nên chỉ dập khuôn, phải biết xử lý thông minh sáng tạo, tìm cách cải tiến, thay đổi linh hoạt và cố gắng vươn lên.

Có các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ đứng đàng sau khiến cho các thế lực toàn cầu trở thành hiện thực. Có thể nói trong những thập kỷ sắp tới sự tăng trưởng của công nghiệp nước nhà phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiếp thu những tiến bộ và sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại. Ngày càng nhận thức ra rằng, đổi mới sáng tạo là chìa khóa cho cạnh tranh thành công và đầu tư khoa học là cơ sở cho đổi mới sáng tạo.

Từ góc độ doanh nghiệp nên nhìn nhận cuộc vận động này không những là dịp tốt để tiếp thị cho các hàng hóa của mình, mà còn là cơ hội lớn để xây dựng kế hoạch khai thác các sản phẩm đầu ra, nhằm củng cố mở rộng bền vững thị trường sản phẩm của doanh nghiệp. Cho nên doanh nghiệp phải chủ động đầu tư thích đáng cho công việc này và tổ chức lắng nghe những ý kiến phản hồi từ NTD nhận xét về các sản phẩm của mình. Từ các cuộc khảo sát giao lưu với cơ sở, doanh nghiệp sẽ nhận ra những vấn đề cần hiệu chỉnh, cải tiến các sản phẩm cũ hoặc tạo mới những sản phẩm phù hợp với NTD hơn.

Từ các hoạt động thực tiễn đó các cơ sở sản xuất cần chủ động xác định được nhiệm vụ khoa học trọng điểm để từ đấy, nếu được nghiên cứu giải quyết nó thành công ,thì có thể đổi mới sáng tạo để có sản phẩm cạnh tranh được. Việc đó cũng không phải là dễ dàng, cần có sự nghiên cứu nghiêm túc. Người ta thường nhắc đến câu nói “đặt bài toán còn khó hơn nhiều lần để giải nó!”. Ở nước ta đang triển khai xây dựng các dự án trong 2 chương trình của nhà nước về hỗ trợ đổi mới và sáng tạo khoa học, có tài trợ lớn của Phần lan và Ngân hàng Thế giới. Các cơ sở sản xuất nên chủ động xây dựng các đề án đổi mới sáng tạo khoa học của mình để xin hỗ trợ của chương trình nhà nước.

Hiện nay các hội địa phương và hội TC&BVNTD VN đang triển khai song song cả 2 phong trào: Vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam” và Xây dựng CLB “Doanh nghiệp tin cậy vì người tiêu dùng”. Vì vậy nên chọn 2 phong trào này là nội dung hợp tác giữa Hội và các doanh nghiệp.

Các buổi lễ trao chứng chỉ Thương hiệu tin dùng  cho các doanh nghiệp và các cuộc giao lưu hội thảo tổ chức gần đây giữa Hội và Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp, Công ty phụ tùng máy số 1, Công ty khóa Việt Tiệp, Công ty gang thép Thái Nguyên, là những hoạt động đáng khích lệ.  Hội còn đang tiếp tục hợp tác với một số doanh nghiệp triển khai các hoạt động quần chúng như phổ biến các tài liệu giới thiệu các nhóm sản phẩm, các tiêu chuẩn đánh giá chọn lựa các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cũng như tiếp cận với các tiêu chí hàng rào kỹ thuật đối với một số sản phẩm xuất nhập khẩu v.v.