Cẩn thận chiêu bài “hàng xách tay”

Trên thị trường hiện nay, tồn tại nhiều loại sữa bột dưới mác “hàng xách tay”. Các loại sữa này mặc dù không có cơ quan nào đứng ra kiểm nghiệm chất lượng, nhưng lại được khá nhiều người tiêu dùng tìm mua.

Mỗi nơi một giá

Được bạn bè mách, chị Thủy (Láng Hạ, Hà Nội) tìm mua sữa S26 cho con. Tuy nhiên, loay hoay một hồi tại cửa hàng trên phố Hàng Buồm, chị vẫn chưa quyết định. Khi biết ý định của chị Thủy, nhân viên bán hàng giới thiệu với chị 2 loại: Sữa S26 “hàng công ty” là có công ty Việt Nam đứng ra nhập khẩu và phân phối, được cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng cụ thể; và “S26 xách tay” là do nhân viên hàng không sau mỗi chuyến bay xách về nước bán. Điều chị Thủy băn khoăn, mặc dù là hàng “xách tay” nhưng giá bán S26 số 3 lại có giá 530.000/hộp 900gr, cao hơn so với hàng công ty nhập khẩu là 435.000/hộp.

Chưa yên tâm, chị Thủy lại tìm đến một cửa hàng chuyên bán đồ “xách tay” khác trên phố Hai Bà Trưng. Loại sữa chị tìm mua ở đây được bán với giá 550.000/hộp. Người bán giải thích thêm cho chị, cùng là sữa S26 được sản xuất tại Singapore nhưng sữa do công ty nhập khẩu là hàng xuất sang Việt Nam, trên vỏ hộp có in chữ tiếng Việt; còn S26 “xách tay” là hàng xuất sang thị trường New Zealand.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sữa “xách tay”, và dù không có cơ quan kiểm nghiệm chất lượng, giá lại cao hơn so với hàng trong nước nhưng tiêu thụ khá tốt. Không ít người nhất định tìm bằng được sữa không có nhãn mác tiếng Việt vì cho rằng “hàng xuất sang thị trường Việt Nam không thể có chất lượng tương đương như hàng nội địa”. Đây là suy nghĩ sai lầm.

Phóng viên đã tận mắt chứng kiến, tại một cửa hàng bán buôn sữa, sau khi mua một thùng sữa Wakado số 0 và số 9 của Nhật, người bán lẻ gỡ bỏ hết tem phụ. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 5 phút, toàn bộ “hàng công ty” đã biến thành “hàng xách tay” để rồi có giá bán cao hơn 50.000/hộp.

Đắt đâu hẳn là tốt

Mặc dù là hàng trốn thuế, nhưng sữa “xách tay” vẫn được rao bán công khai tràn lan trên các trang mạng. Khác với sữa được nhập khẩu chính thức qua nhà phân phối, sữa “xách tay” không có pháp nhân chịu trách nhiệm tại Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào, do đó, khi xảy ra vấn đề thì người bán hay người mua đều không biết tìm đến đâu để khiếu nại. Bên cạnh đó, việc sử dụng sữa “xách tay” tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cao, bởi không có một tài liệu nào chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan, tổ chức nào kiểm định chất lượng.

Ngoài nguy cơ mua phải hàng giả, các sản phẩm sữa “xách tay” do không được bảo quản, vận chuyển đúng quy trình đối với mặt hàng thực phẩm nên chất lượng có thể bị ảnh hưởng. Đối với các loại sữa có công ty đứng ra nhập khẩu và phân phối, trên bao bì phải ghi rõ đường dây nóng để người tiêu dùng phản hồi về chất lượng kịp thời, thậm chí có thể đổi, trả. Nhưng khi mua hàng “xách tay”, nếu gặp hộp sữa có vấn đề như vón cục…, người tiêu dùng chỉ còn cách ngậm ngùi bỏ nguyên hộp sữa mà không biết thắc mắc cùng ai, không có đơn vị nào đứng ra giải quyết.

Theo Báo công thương

{jcomments on}