Cần lập Đội Quản lý thị trường cơ động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(NTD) - Tại Hội nghị Tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã kiến nghị bộ báo cáo Chính phủ cho phép bộ thí điểm thành lập “Đội Quản lý thị trường cơ động”.

Quyết liệt kiểm tra các mặt hàng trọng điểm

  Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nguyễn Thanh Bình đã đưa ra kiến nghị trên, đồng thời xác quyết rằng trong chương trình triển khai công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2016, cục sẽ chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động đến kinh tế xã hội, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

  Cụ thể, cục sẽ kiểm soát việc kinh doanh các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, gian lận thương mại, nhập lậu, không rõ nguồn gốc… Trong đó, cục tập trung kiểm tra các khu vực gần biên giới, các chợ đầu mối tại các tỉnh trọng điểm như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…

  Trong chương trình nêu trên, Cục QLTT sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, các cơ quan thanh tra chuyên ngành, để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hội nghị trực tuyến công tác QLTT 2016 (Ảnh: Bộ Công thương).

Vẫn còn nhiều khó khăn…

  Theo báo cáo của Cục QLTT, 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 87.093 vụ, phát hiện xử lý 54.424 vụ vi phạm, nộp ngân sách 329,9 tỷ đồng (tăng 41,2% so với cùng kỳ năm trước); trong đó riêng lãnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) lực lượng QLTT đã xử lý 9.624 vụ với trị giá hàng vi phạm 73,6 tỷ đồng; xử phạt hành chính 23,1 tỷ đồng.

  Mặc dù phát hiện được nhiều vụ việc về thực phẩm, nhưng theo Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình, công tác kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy và xử lý các vụ việc còn gặp nhiều bất cập do thiếu kinh phí hoạt động. “Kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí giám định, kiểm định chất lượng hàng hóa, kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và việc lưu giữ, bảo quản hàng hóa chờ xử lý gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với hàng hóa là thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật ở dạng tươi sống, sơ chế có nguy cơ cao về dịch bệnh, ATTP. Đa số các lực lượng chức năng đều không có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật, phương tiện chờ xử lý vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và tác động xấu đến môi trường” - ông Bình cho biết.

 Anh Trinh