Cần làm rõ trên 700 dự án chưa được triển khai trong hơn 5 năm qua ở Đồng Nai

(CL&CS) - Hơn 5 năm qua, Đồng Nai triển khai gần 2.000 dự án nhưng số dự án hoàn thành chỉ đạt trên 800 dự án, số còn lại đang dở dang và 700 dự án chưa triển khai.

Lâu nay, Đồng Nai được xem là cửa ngõ, là đầu mối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có hai lĩnh vực thu hút nhiều dự án đầu tư nhất là công nghiệp và bất động sản. Trước đây, việc cấp phép đầu tư các dự án khá dễ dàng nên có những doanh nghiệp không đủ tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm cũng xin cấp phép dự án. Sau đó, quá trình triển khai dự án chậm trễ, kéo dài gây ra các vi phạm theo quy định của Luật Đất đai. 

Dự án Long Tân City trên địa bàn huyện Nhơn Trạch

Đồng Nai đã mạnh dạn thu hồi và hủy kế hoạch sử dụng đất của nhiều dự án chậm tiến độ, xử phạt hành chính hàng loạt dự án vi phạm về đất đai. Tuy nhiên, số dự án quá hạn không hoàn thành vẫn còn khá nhiều, trong đó có những dự án kéo dài 2-3 thập niên khiến người dân có đất trong dự án rất bức xúc.

Trong hơn 5 năm qua, Đồng Nai triển khai gần 2.000 dự án, nhưng số dự án hoàn thành chỉ đạt trên 800 dự án, số còn lại đang dở dang, hơn 700 dự án chưa được triển khai. Qua rà soát, nhiều dự án vi phạm các quy định về đất đai phải xử lý phạt hành chính hoặc thu hồi. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 440 dự án đang thực hiện công tác bồi thường thu hồi đất. Các dự án kéo dài chưa triển khai ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh.

Tại Đồng Nai, mỗi năm, các huyện, thành phố đều phối hợp rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh để đôn đốc những dự án chậm triển khai và kịp thời ngăn chặn, xử lý các dự án vi phạm các quy định về đất đai. Hằng năm, các địa phương đều đề xuất UBND tỉnh thu hồi những dự án quá thời hạn chưa thực hiện để hạn chế dự án “treo”.

Trong hơn 5 năm qua, các địa phương, tỉnh đã hủy kế hoạch sử dụng đất của hơn 200 dự án với diện tích hơn 900ha. Hiện đang rà soát để hủy bỏ tiếp kế hoạch sử dụng đất của hơn 530 dự án có diện tích trên 4.400 ha. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, tỉnh phát hiện 58 dự án vi phạm quy định về tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng có diện tích gần 800ha. UBND tỉnh đã thực hiện thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất đối với 12 dự án với tổng diện tích gần 34ha.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã gia hạn tiến độ sử dụng đất, chấp thuận cho tiếp tục sử dụng đất với hơn 40 dự án có diện tích trên 640ha và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với thời gian gia hạn theo quy định. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án được gia hạn thời gian thực hiện đã hết hạn vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 mà vẫn chưa hoàn thành.

Mới đây, Sở TN&MT đã có văn bản gửi Tổng cục Quản lý đất đai về việc công khai các trường hợp vi phạm về Luật Đất đai với diện tích đất lớn như: Khu dân cư Long Tân (H.Nhơn Trạch); Khu dân cư Phú Hội (H.Nhơn Trạch); Dự án điểm du lịch ở xã An Viễn và xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) …

Theo ông Nguyễn Thế Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, vừa qua, huyện đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh thu hồi 13 dự án chậm triển khai để hạn chế ảnh hưởng đến các hộ dân nằm trong khu vực dự án. Trong khi đó, huyện Trảng Bom đang rà soát và dự tính sẽ đề xuất UBND tỉnh thu hồi hơn 30 dự án có những vi phạm về đất đai.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Văn Hà, từ đầu tháng 5/2021, Thanh tra sở đã phối hợp với các địa phương giám sát tình hình triển khai các dự án ngoài ngân sách để tổng hợp các thông tin trình UBND tỉnh xem xét xử lý các dự án chậm thực hiện. Dự kiến trên địa bàn tỉnh có hơn 100 dự án ngoài ngân sách sẽ được kiểm tra, giám sát.

Cũng theo ông Hồ Văn Hà, hiện Đồng Nai còn hơn 700 dự án chưa được triển khai rất cần được làm rõ. Những dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện cần xem lại năng lực của chủ đầu tư, khả năng có thể thực hiện tiếp hay không. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện thì thu hồi dự án, mời gọi nhà đầu tư khác đủ tiềm lực để triển khai. Dự án không khả thi thì UBND tỉnh, huyện, thành phố nên xóa quy hoạch để trả lại quyền lợi của người dân trên thửa đất. Thực tế việc chậm triển khai các dự án còn ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vì hình thành nên những khu vực xập xệ, bỏ hoang không khai thác hết tiềm năng của đất đai.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnhg Đồn Nai chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát kỹ các dự án trên địa bàn để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới cho phù hợp. Những dự án kéo dài nhiều năm chưa triển khai thì xem xét thu hồi để không ảnh hưởng đến người dân.

TIN LIÊN QUAN