Giữa khu vực đại lộ cao tốc vòng tròn có hai tòa nhà, một lớn và một nhỏ đứng sừng sững từ khi cầu vượt được xây dựng. Đó chính là bộ đôi tòa nhà nổi tiếng, được coi như thắng cảnh hiếm có bởi độ “lì lợm” khó giải thích. Địa điểm này chính là cầu vượt Hồng Đức bao quanh đường Hồng Đức, thuộc quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc.
Chắc hẳn ai nấy cũng đều ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện “độc lạ” của chúng. Điều đặc này đã biến nơi đây thành điểm "check-in" phổ biến rất hay được giới thiệu với du khách khi đến với Quảng Châu. Có một điều thú vị đó là trong ngôi nhà 8 tầng vẫn có người sinh sống bình thường.
Năm 2008, dự án xây dựng cầu vượt Hồng Đức được khởi động với kế hoạch ban đầu là xây cầu thẳng như thông thường. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì tòa nhà 8 tầng và các căn nhà xung quanh cần phải bị phá dỡ. Tòa nhà ban đầu là một khu tập thể được quy hoạch và hầu hết cư dân đã đồng ý di dời, ngoại trừ gia đình ông Quách Chí Minh sống tại tầng 1. Ông Quách cho rằng gia đình của ông gồm 7 người, bao gồm gia đình anh trai, gia đình riêng của ông và mẹ ông. Do đó, khi được đề xuất đền bù để di dời, ông yêu cầu được nhận tiền đền bù tương đương 3 căn hộ, tức khoảng 1,2 triệu NDT (4,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên theo chủ đầu tư, mặc dù có nhiều người trong gia đình nhưng căn hộ của ông Quách chỉ rộng 30m2 với 1 phòng khách và 2 phòng ngủ, vì vậy, đề nghị đền bù chỉ là 400.000 NDT (1,4 tỷ đồng). Sự khác biệt trong yêu cầu đền bù đã làm cuộc đàm phán gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự tiến triển của dự án, phương pháp xây dựng cầu vượt Hồng Đức đã phải thay đổi.
Để giải quyết vấn đề, chủ đầu tư quyết định bỏ ra thêm 100 triệu NDT (hơn 350 tỷ đồng) để thay đổi thiết kế cầu vượt thành hình tròn, đi vòng quanh tòa nhà. Sau khi cầu được hoàn thành vào năm 2015, gia đình ông Quách không còn cơ hội nhận đền bù và phải sống giữa làn đường lớn. Hiện tại, chỉ còn 3 người ở lại trong tòa nhà này.
Mặc dù có những khó khăn về không gian và môi trường sống, ông Quách và chủ đầu tư không từng có mâu thuẫn quá lớn. Cuộc sống không được tiện nghi như những người khác nhưng họ vẫn kiên nhẫn chịu đựng và tiếp tục sinh hoạt trong căn nhà đầy những kỷ niệm.
Theo Sohu, Kknews, 163.com