Cần đảm bảo giá đất sát với giá thị trường và hiệu quả kinh tế

(CL&CS) - Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cần tích cực xây dựng dữ liệu về đất đai, thông tin quy hoạch, thị trường đất đai để điều hành đất đai của toàn quốc, đảm bảo giá đất sát với giá thị trường và hiệu quả kinh tế.

Liên quan vấn đề giá thị trường đối với đất đai, TS Trần Du Lịch nói việc đi tìm giá thị trường chẳng khác nào "đi tìm lá diêu bông".

Tại tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực", TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết đánh giá được tầm quan trọng của Luật Đất đai, lần này Quốc hội sẽ tập trung rất nhiều thời gian thảo luận lấy ý kiến để sửa đổi, hoàn thiện.

Theo ông, có 8 nội dung quan trọng Quốc hội tập trung thảo luận, trong đó có nội dung trọng tâm đang tập trung làm rõ để sửa Luật Đất đai. Quy hoạch đất đai tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nếu không sẽ thành rào cản, kiềm hãm sự phát triển vì vậy cần nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ông Hiếu cũng cho rằng, có một số điểm quan trọng cần thảo luận đợt này là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có khái niệm mới đó là đất đa mục đích. Vì trong đất nông nghiệp có thể sử dụng du lịch nghỉ dưỡng, nhà xưởng, trồng cây, trang trại…. và nhiều nội dung quan trọng khác để thảo luận.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu quan điểm Luật đất đai gắn chặt với 7 luật khác nhưng đều gặp các vướng mắc, nếu sửa một luật mà không sửa các luật khác, cũng sẽ còn các vướng mắc, do đó, ông đề xuất các luật phải đồng bộ, tránh chồng chéo.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bé, hiện tổng quỹ đất của hội đang có là 17.000ha. Nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao hàng năm đóng góp 50 tỷ USD. Do vậy, quy hoạch cần phải dành quỹ đất cho khu công nghiệp - khu chế xuất, bởi đóng góp rất lớn cho kinh tế TP.HCM. Điều 113 của dự thảo luật nói về đất nông nghiệp, nhưng từ năm 1993 đến nay biến động rất lớn. Do đó, căn cứ vào mốc 1993 là quá xa và không cần thiết.

Cũng về vấn đề xác định giá đất, ông cho hay: "Về giá đất, chúng tôi rất khổ tâm vì ách tắc. Nên có "phần cứng" là khung giá đất nhưng "phần mềm" là hệ số mềm (hệ số k) để điều chỉnh. Như vậy, TP.HCM và các tỉnh, thành dễ định giá đất". Chúng ta phải tích cực xây dựng dữ liệu về đất đai, thông tin quy hoạch, thị trường đất đai để điều hành đất đai của toàn quốc, để đảm bảo giá đất sát với giá thị trường và hiệu quả kinh tế”.

Liên quan vấn đề giá thị trường đối với đất đai, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nói: Việc đi tìm giá thị trường chẳng khác nào "đi tìm lá diêu bông". Ví dụ giá đất ở TP.HCM, với một miếng đất, mật độ xây dựng, tầng cao bao nhiêu sẽ có giá khác nhau nhưng trong Luật Đất đai lại chưa đề cập vấn đề này. Đối với phương án đền bù với các trường hợp bị thu hồi đất, cần xem lại và lưu ý bất cập hiện nay khi chúng ta phát triển theo kiểu người dân "trúng số" hoặc "xui xẻo" khi người mất đất thì thiệt hại, người sau lưng lại hưởng lợi.

"Đây là bài toán không thể nào chấp nhận được, tự nhiên ông mặt tiền lại thiệt hại, còn ông sau lưng lại "trúng số", những bất cập này luật chưa giải quyết được", ông Lịch phân tích.

Về vấn đề làm luật, ông ví von "như đan lưới, muốn bắt tất cả các loại cá". Luật nên phân cấp, phân quyền cho địa phương, luật chỉ quy định những vấn đề liên quan quốc gia. Ví dụ, Sơn La, Hà Nội, TP.HCM... làm sao giống nhau được? Thứ nữa, vấn đề thuộc quan hệ dân sự thì không nên đưa vào luật này, nên trả về cho Luật Dân sự...

Ông Lịch nhận định, Dự thảo luật còn quá rườm rà, những vấn đề gì thuộc chức năng của các Bộ bình thường thì không nên đưa vào luật. Đây là những vấn đề mang tính quan điểm mà Quốc hội nên chấn chỉnh.

Cuối cùng, luật này muốn làm cần phải đối chiếu với các luật khác, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, không thể cứ đầu nhiệm kỳ Quốc hội ra luật, cuối nhiệm kỳ Quốc hội lại sửa. Luật pháp phải mang tính ổn định.

TIN LIÊN QUAN