Cam, quýt không khó trồng nhưng kén đất

(NTD) - Đã từ lâu, con người nhận biết giá trị dinh dưỡng của các loại trái cây có múi đặc biệt là các loại cam. Trong quả cam có chứa nhiều loại vitamin quý, các acit hữu cơ và đường đơn, các chất khoáng có lợi cho cơ thể của con người.

Do đó, nhu cầu về các loại cam, quýt dùng cho sử dụng và chế biến để phục vụ cho sức khỏe con người là rất lớn. Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã quy hoạch cho các loại cây ăn trái vùng Nam bộ đến năm 2020 là 275.000 ha trong đó bưởi và cam chiếm 43,75% tổng số cây có múi.

Cam, quýt không khó trồng nhưng không phải đất nào cũng trồng được. Các loại đất bị nhiễm phèn, mặn hoặc thấp trũng không thích hợp cho cam quýt. Vì vậy, vùng ĐBSCL do mực nước ngầm cao, mặt đất thấp nên bà con muốn trồng cam quýt đều phải lên luống thật cao, tuy nhiên một số vùng mặt đất thấp nhưng nhờ có đê bao nên vẫn có thể trồng cam thuận lợi.

Hiện tại, do Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu ổn định trên thị trường thế giới nên giá cả cũng rất bấp bênh, trong đó có các loại cam, năm nay giá cam soàn cao hơn cam sành, nên bà con trồng cam xoàn có lợi nhuận cao hơn. Những năm xuất khẩu được giá thì bà con trồng cam sành vẫn có lợi nhiều hơn, vì cam sành có nhiều nước nên sử dụng cho chế biến công nghiệp giải khát nhà sản xuất thu được lợi nhuận cao hơn. Một hộ trồng cam sành ở Sóc Trăng có diện tích 23.000 m2. Năng suất bình quân thu được khoảng 40 tấn, có năm bán tại vườn giá từ 35.000 -37.000 đồng/kg lời trên 20.000 đồng/kg, thu lời từ 800 triệu cho đến 1 tỷ đồng trên diện tích đó. Năm nay cũng trên diện tích đó, nhưng giá cam sành bị rớt nên chỉ thu được dưới 200 triệu đồng. Điều này thể hiện sự bấp bênh không ổn định trong canh tác cá thể nhỏ lẻ.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Do đó, để khắc phục tình trạng này bà con chỉ có cách tổ chức liên kết để làm ăn. Mọi người đều tuân thủ theo 1 gói kỹ thuật, trồng giống có chất lượng, chăm sóc đúng kỹ thuật để có sản phẩm đồng đều, mẫu mã bắt mắt, đạt chất lượng cao và từ đây có điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu và khi đã có thương hiệu thì chắc chắn sẽ bán với giá cao hơn và ổn định, lúc đó cam xoàn hay cam sành cũng có thể thu nhập cao không kém gì nhau.

Những năm vừa qua, nhiều bà con đã liên kết với nhau để có những khu vườn lớn và đã đạt được kết quả trong kiểm soát quá trình canh tác, bảo đảm chất lượng và bước đầu tạo dựng được thương hiệu. Hiện nay nhiều bà con ở ĐBSCL đang tích cực thực hiện sự liên kết này, như ở huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Anh Trần Văn Khải, ngoài hơn 25 ha trồng cam sành và cam xoàn bước đầu anh liên kết với 12 nông hộ khác để nâng diện tích lên trên 60 ha, áp dụng biện pháp canh tác đồng bộ theo quy trình khép kín, không sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh hóa học, sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây có múi của Bình Điền, cơ giới hóa trong canh tác. Với mô hình này, anh Khải đang từng bước xây dựng thương hiệu “Khải Cam” để tạo uy tín với người tiêu dùng và sau đó sẽ tiếp tục liên kết với nhiều nông hộ khác để tăng diện tích.

Nông sản Việt Nam nói chung, trái cây Việt Nam nói riêng đang giai đoạn cần phải vươn ra biển lớn, do vậy bà con nông dân cần phải liên kết lại để làm ăn lớn, có như vậy mới đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của thị trường và từ đó thu nhập của bà con mới nâng cao.

 Lê Quốc Phong

 
Nên đọc