Tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực chiều qua 23/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấm việc ép phụ huynh mua sách tham khảo và mọi hình thức “lắt léo” đưa loại sách này vào trường học cũng như khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa (SGK)! Đây là việc đang được dư luận ủng hộ và mong mỏi thực thi sớm.
Trước tình trạng không phân định rõ giữa SGK và sách tham khảo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo và đề nghị cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học. “Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Còn GS.TS Nguyễn Lân Dũng thông tin thêm: “Các nước có sách tham khảo nhưng không phải là bắt buộc mà ai muốn đọc gì thì đọc, nhất là các giáo viên để giảng dạy cho phong phú chứ không phải là học sinh”. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng cần phân định rõ ràng, tách bạch công khai giữa SGK và sách tham khảo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu việc đưa sách giáo khoa tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. Sách giáo khoa thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ.
Đối với sách tham khảo, Bộ GD&ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học. Phó Thủ tướng cho rằng “Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục”.
Ngay từ đầu năm học 2020-2021 này, dư luận đã bức xúc vì nhiều trường “ ép” dưới các hình thức buộc phụ huynh phải mua những bộ sách tham khảo với giá trị gấp 2-3 lần bộ SGK có giá trên dưới 200.000 đồng! Đây cũng là lý do chính dẫn đến hiện tượng có trường một bộ cả SGK lẫn sách tham khảo, bài tập lên đến 800.000 đồng mà Bộ GD&ĐT đã phải lên tiếng, chấn chỉnh.
Đây không phải là năm học đầu tiên, phụ huynh kêu ca vì hàng đống sách tham khảo họ không muốn cũng bị gợi ý mua. Từ những năm 2012-2013, chuyện loạn sách tham khảo đã được báo động nhưng gần 10 năm qua, tình hình chỉ tệ hơn chứ không dẹp bớt được vấn nạn này.
Nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng từ thị trường sách tham khảo cho xấp xỉ 20 triệu học sinh các cấp quá lớn và hoa hồng, chiết khấu cho loại sách này quá cao, đến 40-50% được xem là nguyên nhân chính khiến sách tham khảo, bổ trợ ngày càng nở rộ.
Một chuyên gia giáo dục từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực xuất bản sách giáo dục cho hay, thời điểm năm 2004-2005, gần như chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành sách tham khảo. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, các nhà xuất bản mọc lên rất nhiều, từ Trung ương tới địa phương, từ doanh nghiệp đến các hội, cơ quan, đoàn thể cũng xuất bản sách tham khảo. Sách tham khảo được các nhà xuất bản sản xuất liên tục. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 50 công ty con thì tất cả đều xuất bản sách tham khảo.
Ông này cho hay "Doanh nghiệp, cá nhân đều có thể xuất bản sách tham khảo, chỉ cần được cấp phép. Cũng chẳng có tiêu chí nào để đánh giá chất lượng sách tham khảo, chỉ cần không sai kiến thức, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục... là được. Thế nên giờ không thể thống kê được có bao nhiêu doanh nghiệp đang xuất bản sách tham khảo. Có thể tựu trung lại bằng một cụm từ trăm hoa đua nở mà thôi".
Thực tế trên càng đòi hỏi các ngành liên quan, nhất là Bộ GD&ĐT sớm “dẹp loạn” sách tham khảo và các cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn để áp lực sách tham khảo không đè nặng lên phụ huynh và giúp học sinh bớt quá tải đúng như tinh thần cải cách, phục vụ cho việc học chứ không phải vì doanh thu, lợi nhuận của một số doanh nghiệp.
Phan Nguyễn