Việc hợp tác giữa HAGL và Bách hóa Xanh mở ra điểm sáng cho câu chuyện liên kết Việt. |
Sự hợp tác win - win
HAGL sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm trái cây cho Bách hóa Xanh, tiến tới cung cấp toàn bộ các sản phẩm mà HAGL có. Với việc ký kết này, mối quan hệ giữa hai bên sẽ nâng lên tầm chiến lược và HAGL sẽ đồng hành với kế hoạch mở rộng của Bách hóa Xanh ra toàn quốc trong tương lai.
Thị trường đã đón nhận thông tin này một cách tích cực thể hiện trên giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này đồng loạt tăng. Tính từ ngày 19-27/6, cổ phiếu MWG đã tăng 6,5% từ mức 95.100 đồng/cổ phiếu lên 101.300 đồng/cổ phiếu, tương tự cổ phiếu HAG tăng 3,3% từ mức 9.050 đồng/cổ phiếu, lên 9.350 đồng/cổ phiếu. Trong khoảng thời gian này có thời điểm cổ phiếu HAG đạt mức 9.780 đồng/cổ phiếu (23/6).
Kể từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập, thị trường bán lẻ trong nước đứng trước nguy cơ bị rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại là rất lớn. Lúc đó, các doanh nghiệp ngoại tham gia quản lý sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm.
Hiện nay, các siêu thị ngoại cũng chiếm một thị phần không hề nhỏ như BigC (33 siêu thị), Lotte Mart (14 siêu thị), AEON Citimart (15 siêu thị), AEON Fivimart (24 siêu thị)… với nhiều chính sách gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn phân phối hàng vào các hệ thống này. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ước tính riêng các hệ thống siêu thị này chiếm gần 50% doanh số bán hàng.
Được biết, các doanh nghiệp khi đưa các sản phẩm vào các hệ thống siêu thị này phải chịu mức chiết khấu rất cao từ 15-30% khiến các doanh nghiệp không có lãi. Do đó, nhiều doanh nghiệp nội phải “kêu trời” trước sự chèn ép này.
Trước vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nội địa phải liên kết chặt chẽ với nhau, đưa ra chiến lược cạnh tranh dựa trên uy tín hàng hóa cũng như giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng không nên chỉ dựa vào hệ thống siêu thị mà cần mở rộng mạng lưới phân phối qua các kênh bán lẻ khác. Có như vậy, doanh nghiệp nội mới có thể trụ vững và chiếm lĩnh thị trường.
Trước bối cảnh này, sự hợp tác giữa HAGL và Bách hóa Xanh đã mở ra một điểm sáng cho sự liên kết Việt. Bách hóa Xanh là một trong những hệ thống siêu thị mới nổi trên thị trường và đang trong quá trình mở rộng mạng lưới nên rất cần củng cố các mặt hàng của mình và HAGL được coi là đối tác tiềm năng cho chuỗi siêu thị này khi cung cấp sản phẩm thịt bò, trái cây. Quy trình chăn nuôi cũng như trồng trọt của HAGL rất chuyên nghiệp, việc chăm sóc và chọn lọc giống có tiêu chuẩn, đáp ứng điều kiện đầu vào của các siêu thị.
Về các loại cây ăn trái, các vườn chanh dây được trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm hướng tới mục tiêu bền vững, chất lượng cao, có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, công ty còn tận dụng được quỹ đất trống tại Việt Nam, Lào và Campuchia để trồng thanh long, chuối, bơ và hơn 10 loại cây ăn quả khác. Trong năm 2017, HAGL dự thu rất lớn từ các sản phẩm chanh dây, thanh long và chuối. Vụ thu hoạch này vừa kịp với nhu cầu của Bách hóa Xanh, khi chuỗi này dự kiến sẽ bán khoảng 40-50 tấn trái cây/ngày và trong 12 tháng tới, lượng tiêu thụ trái cây ít nhất tăng 5 lần, tương đương 200-300 tấn/ngày. Việc ký kết giữa 2 "đại gia" này được cho thiên thời địa lợi khi kịp thời giải quyết sự khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng tận gốc đạt chất lượng của Bách hóa Xanh.
Tính tới ngày 28/6, chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh đã có 110 siêu thị, dự tính hết năm 2017, chuỗi này mở rộng lên 300 siêu thị trên toàn quốc.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD (tương đương 3.720 tỷ đồng), tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2016 để nhập rau củ quả. Trong đó, lớn nhất là thị trường Thái Lan 82,6 triệu USD, kế đó là Trung Quốc với 31 triệu USD. Tính chung, rau củ quả nhập từ Thái Lan và Trung Quốc chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của cả nước. Tuy nhiên, thông tin xuất xứ trái cây từ các nước này lại khá mơ hồ đối với người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, ngụ Hóc Môn, chia sẻ nhu cầu trái cây ăn hàng ngày của gia đình chị rất lớn vì có con nhỏ, tuy nhiên khi lựa chọn mua trái cây chị vẫn rất mơ hồ về nguồn gốc. Dù mua tại các cửa hàng bán trái cây nhập nhưng cũng rất khó phân biệt.
Do đó, việc Bách hóa Xanh hợp tác giúp trái cây của HAG là một trong những động thái giúp sản phẩm nội cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Theo chia sẻ của một nhà đầu tư cá nhân tại TP.HCM, việc hợp tác giữa HAGL và Bách hóa Xanh sẽ có kết quả như thế nào vẫn còn lại một ẩn số. Tuy nhiên, có thể nói đó là hướng đi đúng đắn. Kết quả có thể nhận thấy rõ là người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ thương vụ này, khi trái cây có nguồn gốc tiêu thụ rõ ràng và giá cả chắc chắn sẽ ưu đãi hơn.
Ánh Hoa