Các trường đại học Đông Á nhảy vọt trong bảng xếp hạng toàn cầu

(NTD) - Các cơ sở đào tạo danh tiếng của Trung Quốc đã có sự bứt phá ngoạn mục – xếp hạng hàng đầu ở châu Á trong bảng xếp hạng World University Rankings của tổ chức Times Higher Education (THE). Trong khi đó, các trường đại học hàng đầu Nhật Bản trở thành nhóm đứng thứ hai sau Trung Quốc với những bước tiến dài.

Đại học Thanh Hoa là trường đại học hàng đầu và thuộc nhóm đại học tinh hoa của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Đại học Thanh Hoa của Trung Quốc đạt tiến bộ đáng kể khi đạt thứ hạng 22 trên bảng xếp hạng của THE, tăng 8 bậc so với hạng 30 của năm ngoái và đẩy Đại học Quốc gia Singapore (NUS) xuống vị trí 23. Đại học này cũng vượt qua các trường danh tiếng như Trường Kinh tế và Chính trị London và Đại học New York.

Bốn trường đại học châu Á lọt vào danh sách Top 50 của THE: Đại học Bắc Kinh hạng 31, Đại học Hong Kong hạng 36, Đại học Tokyo hạng 42 và Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong xếp thứ 46.

Danh sách do THE soạn hằng năm dựa trên thành tích của trên 1.250 đại học từ 86 nước, dựa trên 13 tiêu chí khác nhau như trình độ giảng dạy, nghiên cứu, uy tín quốc, mức độ được trích dẫn khoa học và lợi nhuận hay doanh thu đạt được. THE xem xét trên 14 ấn phẩm khoa học và gần 68 triệu trích dẫn để xem xét thành tích nghiên cứu khoa học của từng trường đại học.

Top 10 các trường đại học hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương. (Graphics: Times Higher Education)
Top 20 theo bảng xếp hạng châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Times Higher Education)

Châu Á tăng hạng, Hoa Kỳ và châu Âu chựng lại hay tụt hạng

Bảng xếp hạng năm nay đã củng cố xu hướng trong những năm gần đây: Các trường đại học hàng đầu châu Á cố gắng thúc đẩy thành tích của mình trong khi các đại học lâu đời của Hoa Kỳ và châu Âu có khuynh hướng chựng lại hay tụt hạng. Phil Baty, Trưởng Biên tập của bảng xếp hạng THE, nói rằng “Singapore và Trung Quốc có thể cố sẽ lọt vào Top 10, nhưng việc này sẽ mất nhiều thập niên”.

Các đại học Nhật Bản vốn trì trệ trong nhiều năm dường như có chuyển biến lớn, dù rằng sự cải thiện này không thể hiện ở tất các các đại học và các tiêu chí. Đại học Tokyo tăng bốn hạng do khả năng nghiên cứu và giảng dạy cải thiện hơn. Đại học Kyoto lên hạng 65, tăng chín hạng so với năm trước.

“Một số người nói rằng Nhật Bản đã ngủ quên trong vinh quang quá lâu, và giờ đây họ bắt đầu nhận ra rằng họ phải tăng tốc để không bị đứng lại hay tụt hậu, phải đầu tư nhiều hơn và quốc tế hóa đại học nhiều hơn”, ông Baty trả lời phỏng vấn của tờ Nikkei Asian Review. .

Baty chỉ rằng với 103 trường được xếp hạng – vượt qua Anh và chỉ xếp sau Hoa Kỳ - Nhật Bản có thể tự hào về sức mạnh và chiều sâu của hệ thống giáo dục đại học dù rằng các yếu tố kinh tế và địa chính trị là cản trở lớn của đất nước này.

Trung Quốc nuôi dưỡng và tạo dựng các trường tinh hoa

Năm nay là năm thứ 15 THE xếp hạng các đại học trên thế giới. Trong khi phương pháp của tổ chức này đã thay đổi theo thời gian và số đại học xếp hạng đã nhiều hơn, Baty đã bác bỏ nhận định “sự trỗi dậy của Trung Quốc là xu hướng quan trọng nhất trong thời gian qua”.

“Họ đã đầu tư nhiều tỷ USD để chọn ra trường tốt và phát triển các đại học hàng đầu. Trung Quốc đã cố gắng xây dựng nền giáo dục đại chúng cho nhiều triệu thanh niên, nhưng cũng cố gắng nuôi dưỡng và tạo dựng các đại học tinh hoa và danh tiếng cho riêng mình”, Baty nói.

Ông nói rằng sự thăng hoa của Đại học Thanh Hoa trong năm nay là “một dấu hiệu rõ ràng của thay đổi đó”.

Các trường đại học hàng đầu thế giới. (Graphics: Times Higher Education)

Đầu tư giáo dục đại học và tập trung hợp tác quốc tế tạo nên thay đổi lớn

Baty chỉ ra rằng sự tăng hạng của các trường Đông Á là kết quả đầu tư vào các trường và tập trung vào hợp tác quốc tế. Hàn Quốc có hai đại học trong Top 100, trong khi đó Hong Kong có sáu trong Top 100 và thêm 2 trong Top 200. “Nước dâng thì thuyền cũng dâng. Các nước Đông Á nhận thức rõ ràng rằng cải tổ hệ thống giáo dục toàn diện cũng sẽ nâng hạng các đại học”, Baty phát biểu.

Nói về môi trường đại học hiện nay ở Hoa Kỳ và Anh quốc, Baty nói các nước có cơ hội (nâng hạng đại học) khi trở nên cởi mở hơn, đón nhận sinh viên quốc tế và tài năng toàn cầu.

Các trường đại học Hoa Kỳ và Anh "độc chiếm" Top 10 với 7 trường của Hoa Kỳ và 3 trường của Anh. Trong Top 5, Đại học Oxford và Đại học Cambridge dẫn đầu, tiếp theo là các trường của Hoa Kỳ như Đại học Stanford, Học viện Kỹ thuật Massachusetts và Học viện Kỹ thuật California.

Đại học Việt Nam đứng ở đâu?

THE đã không xếp hạng các đại học Việt Nam.

Trong một bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds World University Rankings - một trong ba bảng xếp hạng uy tín toàn cầu bên cạnh THE và ARWU (Trung Quốc), năm nay là lần đầu tiên hai đại học Việt Nam lọt vào... Top 1.000 trong bảng xếp hạng 2018 - 2019.

Theo đó: Đại học Quốc gia TP.HCM xếp trong khoảng 701 - 750 và Đại học Quốc gia Hà Nội trong nhóm 801 - 1.000!

Trước đó, Việt Nam có 6 trường được kể tên trong bảng xếp hạng QS châu Á mùa 2017 – 2018. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ 139, Đại học Quốc gia TP.HCM thứ 142, Đại học Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291 - 300, Đại học Cần Thơ trong nhóm 301 - 350, Đại học Huế nhóm 351 - 400 và Đại học Đà Nẵng hạng 417.

Bảng này đánh giá các trường đại học dựa trên 6 tiêu chí (so với 13 tiêu chí của THE): Danh tiếng học thuật, danh tiếng trường, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, số trích dẫn mỗi giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế, và tỷ lệ sinh viên quốc tế.

Trong đó, yếu tố danh tiếng học thuật chiếm trọng số cao nhất - 40%. Các yếu tố như tỷ lệ giảng viên/sinh viên, số trích dẫn trên mỗi giảng viên chiếm 20% mỗi tiêu chí. Tiếp đó là danh tiếng của trường chiếm 10%. Tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế chiếm 5% mỗi tiêu chí.

Trong một hội thảo bàn về nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam vào tháng 4/2018, một số chuyên gia cho rằng đại học Việt Nam nên nhắm vào bảng xếp hạng QS để đưa tên tuổi của mình ra thế giới, bởi đây là bảng xếp hạng phù hợp với chúng ta hơn cả.

“Nếu đi theo THE hay ARWU thì việc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng là rất xa vời, bởi hai bảng xếp hạng này yêu cầu cao về nghiên cứu và hợp tác quốc tế - hai tiêu chí không phải là thế mạnh của các trường đại học Việt Nam” – Giáo sư Nguyễn Lộc thuộc Đại học Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo này.

Ricky Hồ

Nên đọc