Giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/1 cho rằng các ngân hàng lớn vẫn đe dọa hệ thống tài chính thế giới vì đa số cho rằng chính phủ các nước sẽ cứu trợ trong trường hợp những ngân hàng này gặp khó khăn.Theo VietNam+/TTXVN
Theo ông Jose Vinals, ủy viên giám sát tài chính của IMF, các quan chức phụ trách tài chính của các nước vẫn chưa được trang bị tốt để ứng phó với những vụ phá sản kiểu như vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers.
Vụ phá sản của ngân hàng này năm 2008 đã đánh dấu đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, trong đó một số ngân hàng lớn trên thế giới được các chính phủ cứu trợ với số tiền lên tới hàng tỷ USD, và kể từ khi đó nhiều cải cách đã được thực hiện nhằm ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng như vậy.
Cũng theo ông Jose Vinals, vấn đề về cái gọi là “những ngân hàng quá lớn không thể để cho phá sản” là một ưu tiên đối với các nhà quản lý trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ nhóm họp vào tháng 11 tới và dự kiến thảo luận về một chương trình nghị sự cải cách tài chính toàn cầu.
Những quy định về vốn ngân hàng trong Hiệp ước Basel III yêu cầu các ngân hàng không được vay mượn nhiều để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, do vậy các ngân hàng có thể giải quyết tốt hơn những vấn đề của họ.
Ngoài ra, chính phủ các nước cũng yêu cầu các ngân hàng lập kế hoạch để có thể tháo gỡ khó khăn một cách có hệ thống nếu cần thiết./.
Giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/1 cho rằng các ngân hàng lớn vẫn đe dọa hệ thống tài chính thế giới vì đa số cho rằng chính phủ các nước sẽ cứu trợ trong trường hợp những ngân hàng này gặp khó khăn.Theo VietNam+/TTXVN
Nguồn: docbao.vn