Dự án PPP vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Đầu năm 2021, Kexim Bank, một trong những ngân hàng ngoại tiên phong gửi thư đến UBND TP.HCM, đề nghị cho phép tiếp cận nghiên cứu đầu tư dự án tuyến metro số 5 – giai đoạn 2 (ngã tư Bảy Hiền – bến xe Cần Giuộc mới) theo hình thức hợp tác công tư (PPP), cho thấy khả năng huy động vốn ngoại cho các dự án hạ tầng giao thông hiện đại và trọng điểm không phải là quá khó khăn.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2 là nhà đầu tư trúng thầu dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Hay vào giữa tháng 12/2020, Bộ trưởng đã có quyết định phê duyệt Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm.
Trước đó đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án PPP ở Việt Nam. Đơn cử, tại TP.HCM đã thu hút được Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) tham gia đầu tư PPP theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) tại dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nay là đường Phạm Văn Đồng dài 13,6km, có tổng mức đầu tư lên đến 495 triệu USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, hiện nay, việc phát triển hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho hạ tầng quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Trong năm năm tới, Bộ GTVT sẽ tập trung một số dự án đường cao tốc trọng điểm như hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, khi hoàn thành sẽ liên kết được với nhiều cảng biển. Bên cạnh đó, ở khu vực phía Bắc, sẽ nghiên cứu lại hệ thống đường cao tốc kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng để tạo hệ thống cao tốc thông suốt với cảng Lạch Huyện.
Theo ông Antoine Logeay - Luật sư, Công ty luật Audier & Partners Vietnam, thành viên Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong các dự án PPP.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại và thu hút nguồn lực tư nhân, các quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) cần đảm bảo được tính linh hoạt xuyên suốt, đi kèm cơ chế chia sẻ rủi ro, tạo ra được một “sân chơi” tuân thủ luật chơi quốc tế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm chuyên gia của USAIDS cũng chia sẻ thông tin “có nhiều quỹ đầu tư ở nước ngoài rất quan tâm đến việc triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, nhưng còn e ngại chính sách chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư”.
Fitch Solutions đánh giá việc ban hành Luật PPP năm 2020 cho thấy Việt Nam muốn thu hút nhiều các khoản đầu tư của tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Ảnh: minh họa
Để vốn ngoại chảy mạnh vào các dự án PPP
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Mỹ), việc ban hành Luật PPP năm 2020 cho thấy ý định của chính phủ Việt Nam trong mục tiêu thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Luật quy định các dự án về giao thông, cơ sở hạ tầng lưới điện và nhà máy điện, quản lý nước, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trường học và bệnh viện đủ điều kiện cho các giao dịch PPP. Để đủ điều kiện, giá trị của một dự án phải đạt ít nhất khoảng 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Các dự án đường bộ sẽ là một phép thử cho tính hiệu quả của bộ luật mới này. Theo đó, 98 dự án cơ sở hạ tầng lớn trong quy hoạch được coi là PPP, trong đó 58 dự án là cầu đường, với giá trị ước tính là 20,8 tỷ USD.
Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội, ông Aguin Toru cho rằng, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, hợp tác PPP cần hết sức cân nhắc lợi ích và kỳ vọng của 4 bên. Để duy trì hợp tác PPP lâu dài, cần phải hướng đến đảm bảo yếu tố bền vững và khả năng chi trả của người sử dụng; độ tín nhiệm của nhà đầu tư; tính ổn định và dễ đoán của chính phủ và khu vực công; khả năng cho vay của ngân hàng/tổ chức tín dụng.
Ông Đào Việt Dũng, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, một trong những quan ngại lớn nhất được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đưa ra là thay đổi pháp luật gây rủi ro cho dự án PPP. Không những vậy, những năm gần đây, các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi như quy định về thuế; về giá/phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ba vấn đề cần phải tháo gỡ: Bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư; thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư chưa sòng phẳng.
Đại diện VCCI cho rằng, tinh thần xây dựng Luật PPP, nhất là trong bối cảnh thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế, chuỗi cung ứng sản xuất, cần hướng đến đón bắt những cơ hội từ dịch chuyển vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.