Công ty chứng khoán MBS khá khiêm tốn khi đưa ra kịch bản cơ sở tăng chậm của VN-Index trong năm 2021. Theo đó, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 965 - 1.165 điểm (tương đương mức P/E bình quân trong khoảng này 14,94 lần). Các vùng đỉnh kỹ thuật trong xu hướng tăng này có thể chú ý các mốc điểm 1.100 - 1.134 - 1.165 điểm.
Theo MBS, kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam được dự báo đang bước vào nhịp hồi phục mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường. Đối với Việt Nam, việc khống chế dịch bệnh tốt cũng là một trong những nền tảng giúp kinh tế nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, trong bối cảnh các cân đối vĩ mô tương đối ổn định với mặt bằng lạm phát thấp. Lãi suất điều hành tiếp tục giảm đang hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Do đó, MBS cho rằng nên tập trung ưu tiên nhóm cổ phiếu đầu ngành lớn, được hưởng lợi từ đà phục hồi kinh tế và sức mua tiêu dùng trong nước, hưởng lợi từ đầu tư công, và định giá còn hấp dẫn: Ngân hàng, ngành tiêu dùng, bán lẻ; ngành BĐS; ngành thép; ngành dầu khí.
Công ty chứng khoán Mirae Asset khá lạc quan khi nhận định xu thế tăng được kì vọng áp đảo trong năm 2021 với VN-Index mục tiêu cao nhất 1.355 - 1.425 điểm, tăng khoảng 30% so với 2020.
Mirae Asset cho rằng VN-Index sẽ có cơ hội viết lại lịch sử sau khi vượt qua mốc đỉnh 1.200 điểm được thiết lập trong năm 2018 để xác lập mức cao mới. Dù vậy, mức độ biến động của thị trường được dự báo sẽ gia tăng sau khi VN-Index xác lập các đỉnh cao mới.
Sau giai đoạn tăng điểm trên diện rộng kể từ thị trường phục hồi vào tháng 4/2020 đến nay, sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cổ phiếu trở nên rõ nét trong bối cảnh NĐT sẽ có thời gian đánh giá lại KQKD của DN hậu COVID-19, đặc biệt nửa sau năm 2021.
Ở khía cạnh khác, theo Mirae Asset, VN-Index có thể không đạt như mức kì vọng nói trên nếu tình hình dịch bệnh tái phát ở Việt Nam, làm cản trở quá trình phục hồi của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng dù thế nào đi nữa, VN-Index khó để đánh mất mốc 1.100 điểm vốn đạt được vào cuối năm 2020.
Công ty chứng khoán SSI bắt đầu thận trọng hơn sau một thời gian duy trì quan điểm rất tích cực về TTCK. Thị trường đã có sự phục hồi rất ngoạn mục từ mức đáy của năm 2020 và không loại trừ kịch bản điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index với 2 vùng hỗ trợ gần nhất lần lượt là 1.094 và 1.067 điểm.
Tuy nhiên cho cả năm 2021, SSI đánh giá thị trường vẫn đang vận động trong một xu hướng tăng chủ đạo khi các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát đi tín hiệu đúng định hướng và NHNN sẽ chưa điều chỉnh chính sách nới lỏng.
Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn ETF khả năng sẽ là nhân tố hỗ trợ cho thị trường tiếp tục cân bằng nhanh trước các nhịp điều chỉnh và tiến đến các vùng điểm số cao hơn trong tháng. Kỳ vọng tăng trưởng đang dẫn dắt xu hướng tăng chung của thị trường lẫn giá cổ phiếu.
Vì vậy, trong tháng 1/2021, SSI nhấn mạnh đến các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn cho cơ hội đầu tư ở 12 cổ phiếu bao gồm DXG, QNS, NDN, VHM, SZC, MBB, TCB, CTG, BVH, HPG, MWG, PNJ.
Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra dự báo tích cực nhất về thị trường chứng khoán năm 2021. YSVN nhận định trong kịch bản cơ sở năm 2021, VN-Index sẽ đạt 1.364 điểm với P/E dự phóng 18,0x. Thị trường đang nhận được sự hỗ trợ từ dòng tiền của các nhà đầu tư mới cho nên P/E có thể sẽ lập đỉnh lịch sử là 22,5x, theo đó VN-Index có thể đạt mức cao nhất trong năm 2021 là 1.705 điểm. Kịch bản thận trọng nhất của YSVN cũng là ờ mức 1.250 điểm (cao hơn mức đỉnh lịch sử năm 2018) với P/E 16,5x.