Chùa Keo là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam với kiến trúc 400 năm tuổi, thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Từ mùng 8 đến hết ngày 16 âm lịch tháng 9 hàng năm, nơi đây diễn ra lễ hội Chùa Keo để kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh Tổ Không Lộ.
Di tích Chùa Keo Hành Thiện cùng với lễ hội được tổ chức hàng năm là những trang sử nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng; là nơi hội tụ những nét đẹp tinh hoa văn hoá dân tộc có ý nghĩa nền tảng để sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới “tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”.
Đã từ lâu, người dân làng Hành Thiện vẫn truyền tai nhau câu ca dao:
“Dù ai đi đâu về đâu
Mười rằm tháng Chín rủ nhau mà về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mười lăm tháng Chín nhớ về hội ông”
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện gồm có phần lễ với những hoạt động tế, rước đuốc trang nghiêm và phần hội với những tiết mục văn hoá văn nghệ, những trò chơi dân gian độc đáo như: hát chèo, diễn quan họ, tổ tôm, cờ người, thi bắt vịt dưới hồ, võ vật. Quy mô và không khí lễ hội được tổ chức theo nếp sống mới vừa trang trọng, văn minh, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tệ nạn bói toán, mê tín, cờ bạc.
Hội thi bơi trải là hoạt động thu hút dân làng và khách thập phương
Có 15 xóm trong làng tham gia đua thuyền hay gọi là bơi trải, có tất cả 10 người trên thuyền trong đó có 1 người lái thuyền. Bơi trải ở Chùa Keo Hành Thiện Nam Định khác với các nơi khác, họ không ngồi bơi mà 10 người đểu đứng để chèo. Bắt đầu xuất ở trong sông con là sông làng khoảng 5-6km rồi bắt đầu ra đến sông Ninh Cơ nhánh của sông Hồng, bơi 3,5 vòng sông rồi quay về bắt Têu trong sông con nếu đội nào về đầu thì sẽ dành giải nhất. Trung bình mỗi cuộc thi bơi trải diễn ra từ 3,5 – 4h đồng hồ.
Theo lịch trình của Ban tổ chức, các xóm treo cờ Tổ quốc, cờ hội, hạ thuyền trải, sửa sang, luyện tập vào ngày mùng 8/9 (âm lịch). Sau đó 2 ngày, các xóm đưa trải ra sông Ninh Cơ luyện tập. Ngày 11/9, trải của các xóm luyện tập và hoàn thành việc tuyển lựa chân chèo. Đến chiều cùng ngày, tuyển lựa phù giá tại chùa và luyện tập. Tiếp theo đó, Ban tổ chức và chân chèo các xóm thi bơi trải nghe phổ biến thể lệ – nội quy và rút thăm thi bơi trải của ngày 12/9.
Các trải bắt đầu xuất phát
Buổi sáng ngày 12/9, thi bơi trải 3 vòng tại sông Ninh Cơ và trình diện tại phao nhà Bè. Đến chiều, Ban tổ chức và tay lái các xóm giám phao về văn phòng HTX nông nghiệp để rút kinh nghiệm nghe công bố giải thưởng của ngày 12/9.
Sáng14/9, Ban tổ chức và chân chèo các phe trải nghe thể lệ, nội quy rút thăm thi bơi trải của 15/9. Đến chiều, phù giá tập trung tại chùa luyện tập chuẩn bị cho cuộc đua chính vào ngày hôm sau.
Ngày 15/9 (âm lịch), sau lễ Phụng Nghinh và rước kiệu truyền thống quanh khu di tích Chùa Keo 3 vòng là cuộc thi bơi trải 3 vòng tại sông Ninh Cơ và trình diện tại phao nhà Bè. Giờ xuất phát từ 10h – 11h tùy theo thủy triều. Đến 15h, Ban tổ chức, chân chèo các xóm, giám khảo, giám phao về văn phòng HTX nông nghiệp rút kinh nghiệm, công bố giải ngày 15/9.
Chiều tối cùng ngày, phe trải các xóm về chùa lễ Thánh, Ban tổ chức trao phần thưởng 15/9. Phần thưởng là bánh dầy và các xóm được giải càng cao thì càng được nhiều bánh dầy. Sau đó, các phe trải về chia đều cho các hộ gia đình trong xóm.
Mùa lễ hội năm nay, đội đua Chùa Trong dù chỉ xuất phát ở vị trí thứ 14, nhưng bắt Têu đầu tiên và giành giải Nhất. Trong khi trải của Xóm Nội Khu dù rút thăm được vị trí xuất phát đầu tiên, nhưng chỉ bắt Têu thứ 4, về sau trải Chùa Ngoài và Xóm 5. Ngoài ra, cuộc đua năm nay ghi nhận sự cố gắng của trải Xóm 2 khi bắt Têu thứ 8. Bởi đây là thành tích cao hơn đáng kể so với những năm trước khi thường xuyên nằm ngoài top 10.
Với tư cách là một du khách ở Hà Nội về, người viết có dịp được gặp gỡ với bác Thắng (xóm 2) và nghe bác chia sẻ cảm nghĩ về lễ hội truyền thống của làng: “Lễ hội truyền thống Chùa Keo Hành Thiện là một trong những lễ hội độc đáo và lâu đời ở Việt Nam, bản thân ngôi Chùa Keo cũng độc đáo bởi không có sư, không giống với tất cả những ngôi chùa khác. Hàng năm, dù học tập, làm ăn hay sinh sống ở bất cứ nơi đâu thì con cháu trong gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong làng đều trở về với quê hương, với lễ hội truyền thống của làng”.
Cuộc đua diễn ra hết sức hấp dẫn và quyết liệt, nhất là ở khúc cua phao nhà Bè
Trong khi đó, với vai trò là một cổ động viên cuồng nhiệt của xóm 5, anh Dũng chia sẻ cùng người viết với giọng nói khàn không còn rõ tiếng vì hò hét cổ vũ. “Hôm hạ trải (8/9 âm lịch), tôi đã dậy từ 4h sáng, còn cậu con trai tôi mới học lớp 3 nhưng còn háo hức dậy sớm hơn cả tôi để chuẩn bị đi xem thi bơi trải. Người dân Hành Thiện, từ các cháu mẫu giáo đến các cụ già đều rất hâm mộ, hầu như ai cũng đi xem và cổ vũ cho trải của xóm mình từ khi cuộc đua bắt đầu đến lúc kết thúc dù kéo dài mấy tiếng đồng hồ”.
Rõ ràng, trong thời kỳ đô thị hóa nông thôn phát triển nhanh chóng như hiện nay, việc giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa, những lễ hội truyền thống như lễ hội Chùa Keo ở làng Hành Thiện là điều hết sức quý báu. Góp phần làm giàu kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với một số lễ hội nổi tiếng ngoài miền Bắc như lễ hội Yên Tử, lễ hội Chùa Bái Đính, lễ hội Chùa Hương,… lễ hội Chùa Keo là lễ hội có quy mô và sức hút lớn đối với du khách thập phương.
Lê Nguyễn